Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Kế hoạch 83/KH-UBND năm 2014 về nâng cao chất lượng hoạt động công vụ với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2014-2015 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 83/KH-UBND
Ngày ban hành 11/06/2014
Ngày có hiệu lực 11/06/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 83/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 11 tháng 6 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ VỚI MỤC TIÊU XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN THÂN THIỆN, PHỤC VỤ NHÂN DÂN GIAI ĐOẠN 2014 - 2015

Thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”; Chương trình hành động số 187-CTr/TU ngày 28 tháng 12 năm 2013 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Kết luận số 74-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng hoạt động công vụ với mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân giai đoạn 2014 - 2015 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả đảm bảo sự hài lòng của nhân dân đối với sự phục vụ của chính quyền.

b) Phấn đấu Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) tỉnh Đồng Tháp năm 2014, 2015 đạt trong nhóm trung bình cao của cả nước.

2. Yêu cầu

a) Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ là việc làm thường xuyên, có bước đi thích hợp, phù hợp với đặc điểm của hệ thống chính trị tỉnh; việc triển khai thực hiện phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thực chất, không hình thức.

b) Những nội dung, mô hình thực tiễn đã chứng minh phù hợp thì tiếp tục thực hiện, nhân rộng. Những nội dung, mô hình mới thì khẩn trương nghiên cứu, làm thí điểm và tổng kết thực tiễn để làm rõ, có bước đi thích hợp. Những nội dung, mô hình đã thực hiện, nhưng thực tiễn cho thấy là chưa phù hợp, chưa hiệu quả thì điều chỉnh, sửa đổi.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Thực hiện chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức

Cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Đồng Tháp phải chấp hành nghiêm túc nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương III của Luật Cán bộ, công chức và Chương II của Luật Viên chức; Quy tắc ứng xử quy định tại Quyết định số 03/2007/QĐ-BNV ngày 26 tháng 02 năm 2007 của Bộ Nội vụ. Trong đó, trọng tâm thực hiện hiệu quả mô hình “Nụ cười công sở” với phương châm “Biết chào - biết cười - biết lắng nghe - biết hướng dẫn - biết cám ơn - biết xin lỗi”.

2. Nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính công gắn với trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị

a) Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng dịch vụ và thủ tục hành chính công. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng thủ tục chứng thực, xác nhận, cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chất lượng dịch vụ công ngành Y tế và Giáo dục; thủ tục hành chính công cấp xã.

b) Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành Quy chế xin lỗi tổ chức, công dân vì sự chậm trễ, sai sót do thực thi công vụ, nhiệm vụ. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy chế xin lỗi tổ chức, công dân vì sự chậm trễ, sai sót do thực thi công vụ, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

3. Tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đảm bảo niêm yết công khai tại trụ sở làm việc, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; quy trình, hồ sơ, thủ tục, phí, lệ phí, thời hạn giải quyết công việc; họ tên, chức vụ của công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc; quyền và trách nhiệm khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đối với những hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức; họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành rà soát, tổ chức thực hiện nghiêm những nội dung phải công khai để nhân dân biết và giám sát; những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn theo đúng tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trong đó, thực hiện ngay việc công khai: kết quả thu - chi ngân sách; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù đất; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí; tình hình quản lý và sử dụng các loại quỹ, khoản đầu tư, tài trợ, các khoản huy động nhân dân đóng góp; phương thức xét hộ nghèo và danh sách hộ nghèo.

c) Sở Tài chính tiến hành rà soát và tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh sửa đổi, bãi bỏ các loại phí, lệ phí, quỹ không phù hợp, hạn chế cao nhất việc huy động sự đóng góp của nhân dân; nghiêm cấm các hành vi ép buộc, ràng buộc sự đóng góp của nhân dân.

4. Tăng cường trách nhiệm giải trình với nhân dân

a) Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình với nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo đúng quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP ngày 08/8/2013 của Chính phủ; đảm bảo cung cấp, giải thích, làm rõ các thông tin và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn. Tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế và tổ chức quản lý hiệu quả hòm thư góp ý; chuyên mục trả lời ý kiến phản ánh của tổ chức, công dân trên website của cơ quan, đơn vị.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp định kỳ tổ chức các hoạt động đối thoại, tiếp xúc với nhân dân theo phương châm “Nghe dân nói - nói dân hiểu - làm dân tin” để nhân dân tham gia góp ý xây dựng chính quyền, cụ thể như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức buổi “Tiếp xúc trực tiếp với nhân dân” định kỳ vào sáng ngày thứ sáu hàng tuần; thực hiện xoay vòng ở tất cả các ấp trên địa bàn xã.

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức chương trình “Đối thoại cùng nhân dân” được trực tiếp trên đài phát thanh định kỳ vào sáng ngày thứ sáu đầu tiên hàng tháng; nếu thấy cần thiết thì tổ chức thêm các buổi tiếp xúc trực tiếp với nhân dân ở những địa bàn có nhiều ý kiến phản ánh, kiến nghị cần được giải quyết.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục duy trì, thực hiện hiệu quả chương trình “Đồng hành cùng nhân dân” trong thời gian tới.

5. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

a) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống, tham nhũng. Trong đó, tập trung kiểm soát tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ công; công tác tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

[...]