Kế hoạch 825/KH-UBND năm 2021 về phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022 do tỉnh Bắc Ninh ban hành

Số hiệu 825/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2021
Ngày có hiệu lực 30/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Vương Quốc Tuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 825/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 VÀ CÁC DỊCH BỆNH MÙA ĐÔNG XUÂN NĂM 2021-2022

Căn cứ Công văn số 9963/BYT-DP ngày 23/11/2021 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022;

Căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 trong bối cảnh sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, đã có một số lượng người dân di chuyển về các địa phương từ vùng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa đông xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát là rất lớn nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, không để dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022, với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa đông xuân năm 2021-2022, đặc biệt dịch COVID-19, không để dịch bùng phát, lây lan trên địa bàn, giảm thiểu tỷ lệ mắc và tử vong do dịch bệnh.

2. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn Nhân dân triển khai vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm và dự phòng các bệnh truyền nhiễm trong mùa đông xuân và dịp Tết, Lễ hội năm 2021-2022.

3. Chủ động triển khai giám sát chặt chẽ các ổ dịch cũ, phát hiện kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19, viêm phổi, dịch cúm nhóm A lây từ gia cầm sang người, sởi, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và các bệnh lây truyền qua thực phẩm…, xử lý ổ dịch triệt để, cách ly điều trị kịp thời.

4. Tăng cường phối hợp liên ngành để trin khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kiểm tra, giám sát các hoạt động tại các địa phương.

5. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch trên địa bàn khi có tình huống xảy ra.

II. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo với quan điểm không chủ quan, lơ là, kiên quyết ngăn chặn các nguồn lây, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra trong mùa đông xuân 2021-2022.

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn, thành lập các Tổ giám sát COVID tại cộng đồng (Tổ COVID cộng đồng) ở các địa phương và duy trì hoạt động hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

- Các Sở, ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng bao phủ vắc xin cho người dân.

- Các địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động tầm soát, xét nghiệm để kịp thời phát hiện, kiểm soát nguồn lây, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe...

2. Công tác thông tin, tuyên truyền

- Tăng cường công tác thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động thực hiện tốt các biện pháp tự phòng chống dịch bệnh. Đa dạng hóa các loại hình truyền thông, bao gồm truyền thông trên các phương tiện thông đại chúng và truyền thông trực tiếp.

- Chủ động cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.

3. Công tác chuyên môn

Tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực hệ thống giám sát dịch từ tỉnh đến cơ sở với mục tiêu phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời trước mọi diễn biến của bệnh dịch không để dịch lan rộng; tổ chức giám sát dịch chủ động, đặc biệt chú ý các ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao dễ bùng phát dịch bệnh trong mùa đông xuân.

Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, cơ sở y tế tư nhân, y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học đặc biệt là mạng lưới cộng tác viên phòng chống dịch trong việc phát hiện, thông tin, báo cáo kịp thời ca bệnh, ổ dịch để tổ chức xử lý dịch kịp thời, triệt để và huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch.

- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên để theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh ở các nước trong khu vực, các tỉnh, thành phố trong cả nước, tổ chức giám sát dịch chặt chẽ không để dịch bệnh xâm nhập từ vùng có dịch vào địa bàn.

- Khi phát hiện ca bệnh nghi ngờ, tổ chức điều tra, triển khai các biện pháp khoanh vùng xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan. Tăng cường phối hợp liên ngành và huy động cộng đồng trong công tác xử lý ổ dịch.

- Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc khai báo lấy mã số ca bệnh COVID-19 tự động trên Hệ thống mã số ca bệnh quốc gia về dịch COVID-19 tại địa chỉ website https://macabenh.vncdc.gov.vn; trong đó cung cấp đầy đủ thông tin bệnh nhân bao gồm tiền sử tiêm chủng phòng COVID-19 (tiêm 1 mũi, 2 mũi, chưa tiêm). 

- Kiện toàn các đội cơ động chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, đảm bảo đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc... phục vụ công tác phòng chống dịch, chẩn đoán, cấp cứu, điều trị tại các tuyến.

4. Công tác kiểm tra, giám sát

[...]