Kế hoạch 8157/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Số hiệu 8157/KH-UBND
Ngày ban hành 25/09/2018
Ngày có hiệu lực 25/09/2018
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký Võ Văn Cảnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8157/KH-UBND

Đắk Lắk, ngày 25 tháng 09 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1898/QĐ-TTG NGÀY 28/11/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2018-2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK

Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện, với nội dung như sau:

I. Căn cứ thực hiện:

- Luật Bình đẳng giới năm 2006;

- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;

- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

- Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”;

- Quyết định số 693/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự toán năm 2018 để triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”;

- Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới tính Đắk Lắk giai đoạn 2016 - 2020;

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về bình đẳng giới; tiến tới dần xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới và các quan điểm lạc hậu về giới trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. Nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, góp phần vào sự phát triển, tiến bộ của vùng dân tộc thiểu số và cả nước nói chung.

2. Yêu cầu

2.1. Xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm, cả giai đoạn phải cụ thể, khả thi, bám sát các nội dung, nhiệm vụ của Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của từng dân tộc, vùng miền.

2.2. Chú trọng đối với các địa bàn vùng dân tộc thiểu số có biểu hiện, nguy cơ cao bất bình đẳng giới để xác định các hoạt động ưu tiên và tăng cường nguồn lực trong triển khai thực hiện.

2.3. Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương phối hợp tổ chức thực hiện lồng ghép, kết hợp các hoạt động của Đề án với các chương trình, đề án, kế hoạch khác có liên quan đã, đang triển khai tại địa phương đảm bảo không chồng chéo, tiết kiệm, hiệu quả.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.

2. Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2025, phấn đấu đạt:

a) 100% cán bộ, công chức của cơ quan làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, già làng vùng dân tộc thiểu số được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.

b) 100% các trường dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi.

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Đối tượng:

Đồng bào các dân tộc thiểu số, già làng, người có uy tín, cán bộ thôn, buôn và các tổ chức đoàn thể ở thôn, buôn; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã vùng dân tộc thiểu số; học sinh các trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi, thời gian thực hiện:

[...]