Kế hoạch 812/KH-UBND năm 2016 thực hiện công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 812/KH-UBND
Ngày ban hành 17/10/2016
Ngày có hiệu lực 17/10/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Quận Phú Nhuận
Người ký Nguyễn Thị Ánh Nguyệt
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN PHÚ NHUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 812/KH-UBND

Phú Nhuận, ngày 17 tháng 10 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Kế hoạch số 5116/KH-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc triển khai công tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân quận xây dựng Kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức, kỹ năng của toàn xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc chủ động phòng ngừa, giảm nguy cơ mua bán người, góp phần kéo giảm tội phạm về mua bán người. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các ban - ngành, đoàn thể trong việc quan tâm giúp đỡ, chăm lo cho nạn nhân bị mua bán, tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong việc cho, nhận con nuôi, kết hôn với người nước ngoài...

2. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh trật tự nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng của các lực lượng chức năng, tập trung vào công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người và công tác phối hợp tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

3. Thực hiện công tác phòng, chống mua bán người lồng ghép với các chương trình, kế hoạch công tác về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và các chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em... của địa phương.

4. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành chức năng có liên quan trong suốt quá trình triển khai thực hiện các Đề án, mang lại hiệu quả thiết thực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

II. CÁC ĐỀ ÁN, CHỈ TIÊU:

1. Đề án 1: “Truyền thông phòng, chống mua bán người”:

1.1. Các chỉ tiêu:

- Từ năm 2016, có ít nhất 01 tháng/ lần đăng tải thông tin về phòng, chống mua bán người trên các cơ quan báo chí và tuyên truyền về “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” (ngày 30/7 hàng năm, theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 10/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

- Đến năm 2017, đạt 75% và năm 2020 đạt 100% phường đã tiếp nhận và triển khai tài liệu hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật và tài liệu truyền thông về thay đổi hành vi phòng, chống mua bán người.

- Đến năm 2020, có ít nhất 30% phường trọng điểm (có nhiều vụ việc xảy ra, có nhiều nạn nhân bị mua bán trở về hoặc có nhiều nguy cơ) có mô hình chuyên sâu về phòng ngừa mua bán người và có 50% phường có mô hình lồng ghép về phòng, chống mua bán người.

- Đến năm 2020, đạt 75% người dân (tập trung vào nhóm từ 14 - 60 tuổi, nhất là phụ nữ và trẻ em) được tiếp cận các thông tin, có kiến thức pháp luật về phòng, chống mua bán người, kỹ năng xử lý các tình huống liên quan đến mua bán người.

1.2. Các Tiểu Đề án:

- Tiểu Đề án 1: “Truyền thông phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng”.

- Tiểu Đề án 2: “Truyền thông phòng, chống mua bán người tại cộng đồng”.

2. Đề án 2: “Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người”:

2.1. Các chỉ tiêu:

- 100% thông tin liên quan đến tội phạm mua bán người chuyển đến cơ quan có thẩm quyền được phân loại, xử lý và những trường hợp có dấu hiệu tội phạm được xác minh theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm, 100% tuyến, địa bàn trọng điểm về mua bán người được các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn.

- Hàng năm, tăng ít nhất 2% tỷ lệ khởi tố, điều tra các vụ án mua bán người, trên tổng số các vụ việc được phát hiện.

- Hàng năm, đạt 95% số vụ mua bán người được truy tố, trên tổng số vụ án do Viện kiểm sát nhân dân quận thụ lý.

- Hàng năm, đạt 95% số vụ mua bán người được giải quyết và xét xử, trên tổng số vụ án do Tòa án nhân dân quận thụ lý.

2.2. Các tiểu Đề án:

- Tiểu Đề án 1: “Đấu tranh phòng, chống mua bán người khu vực nội địa, tập trung tại các cơ sở dịch vụ nhạy cảm và môi giới lao động nữ, bệnh viện phụ sản”.

- Tiểu Đề án 2: “Truy tố và xét xử tội phạm mua bán người”.

[...]