Kế hoạch 81/KH-UBND năm 2020 về triển khai Kết luận 54-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do tỉnh Quảng Ninh ban hành

Số hiệu 81/KH-UBND
Ngày ban hành 08/05/2020
Ngày có hiệu lực 08/05/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Đặng Huy Hậu
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 81/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KẾT LUẬN SỐ 54-KL/TW NGÀY 07/8/2019 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 KHÓA X VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN

Thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Kết luận số 54-KL/TW); Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 54-KL/TW. Nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò của nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp với người nông dân trong sự nghiệp phát triển ngành nông nghiệp; tạo nên sự chuyển biến rõ rệt; đáp ứng yêu cầu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; cải thiện toàn diện đời sống người nông dân.

2. Yêu cầu

Các cấp ủy đảng, chính quyền; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân là nhiệm vụ chính trị lâu dài nhằm cơ cấu lại nền nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; tạo đột phá trong phát triển nền nông nghiệp thông minh, hiện đại với phương châm "nông dân là chủ thể của quá trình phát triển" là yếu tố quyết định thành công; phát huy tính chủ động, sáng tạo của người nông dân.

Tiếp tục quán triệt triển khai sâu rộng các nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008, Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là Nghị quyết số 26-NQ/TW). Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển ngành nông nghiệp.

Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng Kế hoạch hành động, cụ thể hóa các chương trình, đề án, văn bản pháp luật và tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực hiện để tiếp tục hiện thực hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

II- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện, hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá, dịch vụ; nâng cao giá trị gia tăng, tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững. Phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông nghiệp, nông thôn. Tạo sự chuyển biến nhanh, bền vững và phát triển cân đối, hài hoà giữa các vùng, miền trong tỉnh.

Cải thiện nhanh đời sống của nông dân, nâng cao mức sống và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nông dân; giảm chênh lệch thu nhập giữa vùng nông thôn và thành thị; đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu về phát triển kinh tế, xã hội vùng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội. Nông dân được đào tạo, bố trí việc làm; nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất; đủ năng lực tiếp cận ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; đóng vai trò chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, kết nối đồng bộ giữa các vùng, miền; Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn văn minh, ổn định, dân trí được nâng cao; góp phần giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Năm 2020

- Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt 5%; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt từ 3 - 5%/năm; độ che phủ rừng đạt 55%.

- Thu nhập bình quân người đầu người khu vực nông thôn là 45 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 98,3%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1%. Tỷ lệ người dân vùng nông thôn có bảo hiểm y tế đạt trên 90%.

- Có trên 90,8% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đặt 07/13 đơn vị huyện); thêm 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; mỗi huyện (thị xã, thành phố) đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới) có ít nhất một xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

2.2. Đến năm 2025

- Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt từ 3-5%; duy trì tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp từ 3,5 - 5,5%/năm; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 55% và nâng cao chất lượng rừng.

- Thu nhập của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 99%. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm trung bình 0,45%/năm. Tỷ lệ người dân vùng nông thôn có bảo hiểm y tế đạt trên 95%.

- Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải rắn sinh hoạt đô thị và các xã đảo, các xã có hoạt động du lịch, dịch vụ bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn trên 99%.

- 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 100% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Kết luận số 97-KL/TW và Kết luận số 54- KX/TW

- Các Sở, ban, ngành và cấp ủy chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Kết luận số 97-KL/TW, Kết luận số 54-KL/TW. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa X, cần nghiêm túc đánh giá những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm rút ra, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, nhân rộng cách chỉ đạo tốt, những mô hình hay nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2020 và năm 2025 của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X.

[...]