Kế hoạch 7953/KH-UBND năm 2021 về tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre

Số hiệu 7953/KH-UBND
Ngày ban hành 02/12/2021
Ngày có hiệu lực 02/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Thị Bé Mười
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7953/KH-UBND

Bến Tre, ngày 02 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án);

Căn cứ công văn số 1820/BVHTTDL-TV ngày 03 tháng 6 năm 2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre ban hành Kế hoạch tiếp tục triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bến Tre, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về ý nghĩa của việc phát triển văn hóa đọc, góp phần nâng cao dân trí, phát triển bền vững nguồn nhân lực của đất nước, khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại.

- Tăng cường vận động sự tham gia từ cộng đồng, nguồn lực các tổ chức, cá nhân trong đầu tư, phát triển văn hóa đọc, đa dạng hóa hoạt động nhằm phát huy sức mạnh và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp Nhân dân.

2. Yêu cầu

Triển khai Kế hoạch tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gắn với việc tuyên truyền và triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành, Chương trình chuyển đổi số Ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả.

Chú trọng tính đổi mới, sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động phục vụ bạn đọc tại hệ thống thư viện công cộng và thư viện của các cơ sở giáo dục tại địa phương, lồng ghép với các chương trình, kế hoạch đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp Nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.

- Nhằm xây dựng văn hóa và con người Bến Tre thân thiện, hiếu khách, năng động, dám nghĩ dám làm, sáng tạo trong công cuộc Đồng khởi mới, quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch xứ Dừa đến người dân trong và ngoài nước.

- Chia sẻ, kết nối và phát triển nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện, ứng dụng công nghệ, hiện đại hóa thư viện phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí góp phần hình thành thói quen đọc sách, văn hóa đọc và xã hội học tập suốt đời cho Nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Mục tiêu chủ yếu giai đoạn 2021 - 2025:

2.1.1 Phạm vi toàn tỉnh

a) Về khả năng tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức:

- Phấn đấu 90% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục - đào tạo, văn hóa, khoa học.

- Phấn đấu 25% - 30% người dân ở khu vực nông thôn, 20% - 25% người dân ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức và các dịch vụ liên quan tại các thư viện công cộng, trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa xã, cơ quan xuất bản và phát hành.

b) Về nâng cao kiến thức, kỹ năng đọc:

- Phấn đấu 40% - 50% người dân có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc và học tập suốt đời.

- Phấn đấu 80% người sử dụng thư viện (95% đối với học sinh, sinh viên) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí.

c) Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản:

- Phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 05 bản/người dân và đạt 02 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc từ 03 đến 04 cuốn sách/năm;

[...]