ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 783/KH-UBND
|
Kon Tum, ngày 21
tháng 3 năm 2022
|
KẾ
HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN
THỂ LỰC, TẦM VÓC NGƯỜI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Thực hiện Quyết định số
641/QĐ-TTg ngày 28 tháng 4 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề
án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 (sau
đây gọi tắt là Đề án); Kế hoạch triển khai Đề án giai đoạn II (2021-2030) của
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch(1), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch
triển khai thực hiện Đề án, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai thực hiện
có hiệu quả Đề án giai đoạn II (2021-2030) trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phát triển
phong trào, chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trong toàn xã hội;
mở rộng các hoạt động sinh hoạt văn hóa, thể thao, giải trí lành mạnh, giúp con
người phát triển hài hòa, gắn với phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo
gương Bác Hồ vĩ đại”.
- Phát triển thể lực, tầm
vóc người Việt Nam để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp
phát triển đất nước; từng bước nâng cao chất lượng giống nòi và tăng tuổi thọ
khỏe mạnh của người dân trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Tổ chức triển khai,
thực hiện đồng bộ và thống nhất trên toàn tỉnh.
- Tăng cường công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ
quốc, các tổ chức đoàn thể và trong toàn xã hội thông qua các hoạt động phong
trào, góp phần chăm lo phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt Nam trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
II. THỜI GIAN TRIỂN
KHAI, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Thời gian triển khai
thực hiện: Từ
năm 2022 đến năm 2030.
2. Phạm vi, đối tượng
áp dụng
- Phạm vi: Toàn tỉnh.
- Đối tượng: Là trẻ sơ
sinh, nhi đồng, thanh thiếu niên đến 18 tuổi, đặt trọng tâm đối tượng tác động
là trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên (từ 0 đến 15 tuổi).
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực, nâng cao thể trạng, tầm vóc, góp phần đào tạo con người phát triển
toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, phục vụ có hiệu quả
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; từng bước cải thiện, nâng cao
chất lượng giống nòi và tăng cường sức khỏe, tuổi thọ cho mọi người trên địa
bàn tỉnh Kon Tum.
2. Mục tiêu cụ thể đến
năm 2030
a. Đến năm 2025 nâng
cao hiệu quả chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ 03-15 tuổi kết hợp với chăm sóc sức
khỏe ban đầu, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nâng
cao chất lượng dân số và đời sống dân sinh; đến năm 2030 triển khai thực hiện đạt
90% số trường học trên địa bàn tỉnh.
- Cải thiện về số lượng
và chất lượng khẩu phần ăn của trẻ em tuổi mẫu giáo, mầm non và học sinh:
+ Đảm bảo 100% trẻ em
và học sinh ở các trường có chương trình được uống sữa và/hoặc được bổ sung sản
phẩm dinh dưỡng đặc thù.
+ Đảm bảo bữa ăn học đường
đáp ứng 100% cho trẻ em và học sinh ở các trường có chương trình.
- Hạ thấp tỷ lệ thiếu
dinh dưỡng và cải thiện tăng trưởng ở trẻ em mẫu giáo, mầm non và học sinh: Từ
năm 2021 đến 2030 ở vùng có chương trình tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi
giảm trung bình 0,8%/năm; tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi giảm trung
bình 0,5%/năm.
- Nâng cao, cải thiện
kiến thức thực hành dinh dưỡng cho giáo viên, nhân viên y tế học đường, học
sinh và phụ huynh tại các vùng có chương trình:
+ Tỷ lệ giáo viên, nhân
viên y tế học đường được tập huấn về dinh dưỡng hợp lý và tăng trưởng đạt 100%.
+ Tỷ lệ học sinh, phụ
huynh được truyền thông, giáo dục về dinh dưỡng hợp lý và tăng trưởng đạt 90%.
- Chủ động kiểm soát,
khống chế sự gia tăng tỷ lệ béo phì ở lứa tuổi mầm non và học sinh, đặc biệt ở
khu vực thành phố:
+ Kiểm soát tỷ lệ béo
phì ở trẻ <5 tuổi tại khu vực thành phố <8%.
+ Tỷ lệ béo phì học
sinh tại khu vực thành phố <20%.
b. Đảm bảo chất lượng dạy
và học thể dục chính khóa, các hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa; thực hiện
chương trình giáo dục thể chất hợp lý có kết hợp với giáo dục quốc phòng, triển
khai đồng bộ với công tác y tế học đường và dinh dưỡng học đường; cải thiện và
tăng cường điều kiện phục vụ hoạt động thể dục thể thao trong trường học; đầu
tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất; 90% tổng số trường phổ thông
các cấp trên địa bàn tỉnh có câu lạc bộ thể dục thể thao, hệ thống cơ sở vật chất
đủ phục vụ cho hoạt động thể dục thể thao, có đủ giáo viên và hướng dẫn viên thể
dục thể thao, thực hiện dạy thể dục chính khóa kết hợp với hoạt động ngoại
khóa.
c. Đến năm 2030 đạt
trên 90% các trường mẫu giáo, phổ thông trên địa bàn tỉnh được định hướng và
hình thành lối sống lành mạnh trong đại bộ phận người dân, luyện tập thể dục thể
thao và sử dụng dinh dưỡng hợp lý; tuyên truyền tăng cường chăm sóc sức khỏe trẻ
em, người chưa thành niên và thanh niên nhằm giảm thiểu các bệnh về tim mạch,
béo phì; bệnh gầy bất thường về chiều cao thân thể, góp phần nâng cao chất lượng
cuộc sống.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Tổ
chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động toàn dân tích cực tập luyện
thể dục thể thao thường xuyên (thực hiện hàng năm).
- Đẩy mạnh tổ chức các
hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng,
chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình, Nhân dân về vai trò, tác dụng của tập
luyện thể dục thể thao, coi thể dục thể thao là công cụ hữu hiệu để nâng cao sức
khỏe, thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
- Sở Thông tin và Truyền
thông chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào
tạo chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh
thông tin và truyền thông sâu rộng về Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm
vóc người Việt Nam, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước,
các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án và một số quy định mới của Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao liên quan đến thể dục thể thao.
2. Phối
hợp liên ngành về quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn phát triển phong trào thể dục thể
thao trường học (thực hiện hàng năm)
- Sở Văn hóa, Thể thao
và Du lịch chủ trì, phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố và các đơn vị liên quan triển khai Đề án tổng thể phát triển thể lực,
tầm vóc người Việt Nam trong công tác gia đình nhằm phát huy vai trò gương mẫu,
tích cực của các thành viên trong gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể
thao, xây dựng gia đình thể thao; các bậc phụ huynh quan tâm đầu tư kinh phí,
trang phục, dụng cụ, tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh, sinh viên được vui
chơi giải trí, rèn luyện thể chất, tập luyện thi đấu các môn thể thao.
3. Lồng
ghép thực hiện nội dung kế hoạch phù hợp với Dự án 7 “Chăm sóc sức khỏe Nhân
dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng, chống suy dinh
dưỡng trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030(2).
- Đơn vị chủ trì: Sở Y
tế.
- Đơn vị phối hợp: Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
4. Lồng
ghép thực hiện nội dung kế hoạch phù hợp với Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới
và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu
số và miền núi giai đoạn 2021-2030(3).
- Đơn vị chủ trì: Hội
Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
- Đơn vị phối hợp: Ban
Dân tộc tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính, Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị
có liên quan.
5. Lồng
ghép thực hiện nội dung kế hoạch này với Kế hoạch triển khai thực hiện Chương
trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Kon Tum(4).
- Đơn vị chủ trì: Sở
Giáo dục và Đào tạo.
- Đơn vị phối hợp thực
hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
6. Lồng
ghép triển khai thực hiện kế hoạch với Chương trình “Một triệu ly sữa” do Trung
ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì triển khai từ ngày 22 tháng 4 năm 2020 đến
khi công bố hết dịch COVID-19 cho đối tượng là thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh
khó khăn, tập trung thiếu niên, nhi đồng là con em công nhân, người lao động tự
do bị mất việc, thiếu nhi vùng dân tộc miền núi, khó khăn.
- Đơn vị chủ trì: Tỉnh
đoàn.
- Đơn vị phối hợp: Liên
đoàn Lao động tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các đơn vị
có liên quan.
7. Nhân
rộng những mô hình, điển hình và biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến
trong triển khai thực hiện Đề án.
- Chỉ đạo tổ chức triển
khai Đề án trong phạm vi quản lý; chủ động phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá
nhân có thành tích xứng đáng để tuyên truyền, tôn vinh, tạo điều kiện để tập thể,
cá nhân được trao đổi, giao lưu, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả.
+ Thực hiện: Các Sở,
ngành, đơn vị, địa phương.
+ Thời gian thực hiện:
Hàng năm.
- Hướng dẫn các địa
phương, đơn vị về công tác thi đua, khen thưởng các điển hình tập thể, cá nhân
tiêu biểu trong việc triển khai Đề án.
+ Đơn vị thực hiện: Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Thời gian thực hiện:
Trong quý II năm 2022.
- Tổng hợp, thẩm định hồ
sơ các điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong việc triển khai Đề án trình Ủy
ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nội vụ) khen thưởng về thành tích xuất sắc
trong tổ chức triển khai Đề án.
+ Đơn vị chủ trì: Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
+ Thời gian thực hiện:
Căn cứ vào các tiêu chí phấn đấu đã nêu tại phần III để thực hiện việc khen thưởng
vào dịp sơ kết (năm 2025) và tổng kết giai đoạn (năm 2030).
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện Kế
hoạch được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán chi sự nghiệp của
các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng
ghép kinh phí từ các chương trình, đề án liên quan và nguồn tài trợ, nguồn huy
động hợp pháp khác.
2. Căn cứ nhiệm vụ tại Kế
hoạch này, các Sở, ban, ngành và các địa phương chủ động cân đối trong dự toán
chi sự nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao hàng năm, kết hợp các nguồn xã
hội hóa để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan thường trực
chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan xây dựng và thực hiện các nội
dung của Kế hoạch này; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, ngành và địa
phương liên quan trong việc triển khai thực hiện kế hoạch.
- Tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo và thành lập Tổ Chuyên viên giúp việc thực hiện
Kế hoạch.
- Hướng dẫn các đơn vị,
địa phương triển khai Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch
và đề xuất, kiến nghị liên quan, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban
nhân dân tỉnh trước ngày 10 tháng 12 hàng năm; tiến hành sơ kết vào năm 2025, tổng
kết vào năm 2030, đánh giá và rút kinh nghiệm, khen thưởng các đơn vị, tổ chức,
cá nhân thực hiện tốt Kế hoạch.
2.
Sở Y tế:
Chủ
trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai chương trình sữa học
đường cho đến khi có chỉ đạo mới của Thủ tướng Chính phủ (theo chỉ đạo của Bộ
Y tế tại Văn bản số 40/BYT-BMTE ngày 05 tháng 01 năm 2021). Phối hợp với
các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế
hoạch theo phân cấp quản lý.
3.
Sở Giáo dục và Đào tạo: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với
các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế
hoạch.
4.
Sở Tài chính:
Phối hợp
với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí
kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định của Luật ngân
sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm
theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
5.
Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan báo
chí, truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về phát triển thể lực,
tầm vóc người Việt Nam đến các tầng lớp Nhân dân.
6.
Các Sở: Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội: Phối hợp với cơ quan chủ
trì các nội dung, Chương trình để triển khai thực hiện Kế hoạch, tham mưu cơ
quan có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định.
7.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum: Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền về Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam trên địa
bàn tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố:
- Xây dựng kế hoạch
phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam tại địa phương.
- Bố trí kinh phí theo
quy định pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ tại kế hoạch
này; huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của địa
phương để triển khai thực hiện Kế hoạch.
9. Đề nghị Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ
được giao, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương liên quan triển khai thực
hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch. Tăng cường công tác tuyên truyền cho
đoàn viên, hội viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về việc phát triển thể lực,
tầm vóc người Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
Căn cứ nội dung Kế hoạch
và chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch
cụ thể của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Định
kỳ hàng năm (trước ngày 25 tháng 11) và đột xuất (khi có yêu cầu),
báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có liên quan./.
Nơi nhận:
-
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (đ/b);
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (p/h);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (đ/b);
- Các Sở, ban, ngành (t/h);
- Các tổ chức đoàn thể CT-XH tỉnh (p/h);
- UBND các huyện, thành phố (t/h);
- VP UBND tỉnh: CVP, PCVP Nguyễn Đình Cầu;
- Lưu VT, KGVX.THT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Y Ngọc
|
(1)
Tại Báo cáo số 360/BC-BVHTTDL ngày 14 tháng 12 năm 2021.
(2)
Kế hoạch số 4427/KH-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
(3)
Kế hoạch số 4427/KH-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
(4)
Kế hoạch số 356/KH-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh.