Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 78/KH-UBND năm 2016 thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP do tỉnh Lạng Sơn ban hành

Số hiệu 78/KH-UBND
Ngày ban hành 04/07/2016
Ngày có hiệu lực 04/07/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Nguyễn Công Trưởng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 04 tháng 7 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP NGÀY 28/4/2016 CỦA CHÍNH PHỦ

Thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỘT SỐ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC TRONG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Chỉ đạo triển khai

Trong hai năm 2014, 2015 Chính phủ đã ban hành 02 Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh[1], nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, UBND tỉnh Lạng Sơn đã sớm ban hành các Kế hoạch[2] để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể ở ngành mình, cấp mình, các đơn vị trong toàn tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm cán bộ, công chức các cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

2. Một số kết quả đạt được

UBND tỉnh đã tập trung cho công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai các luật mới ban hành như: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đất Đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã… đặc biệt là các Luật có hiệu lực thi hành trong năm 2015 (Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư), các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành có liên quan về lĩnh vực đầu tư và doanh nghiệp.

Các sở, ban, ngành đã tích cực, chủ động triển khai thi hành các Luật và các văn bản để bảo đảm hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư về cơ bản không bị gián đoạn và xáo trộn. UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 06/3/2015 về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp năm 2015; Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 14/01/2015 về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; Kế hoạch số 31/KH-UBND ngày 09/3/2015 về rà soát thủ tục hành chính, quy định liên quan trên địa bàn tỉnh năm 2015...[3]

Các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, đều được đăng tải và giới thiệu trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh (http://qppl.langson.gov.vn), các bộ thủ tục hành chính của các cấp, các ngành đều được công khai để công dân, tổ chức tiếp cận và khai thác (http://tthc.langson.gov.vn). Các thủ tục hành chính đang được các sở, ngành, địa phương triển khai cung cấp ở mức độ 2, đang nghiên cứu để triển khai cung cấp dịch vụ trực tuyến mức độ 3.

Cục Thuế, Cục Hải quan thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, đề xuất giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp. Tiếp tục quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử. Rà soát, đánh giá cải tiến quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục nộp thuế của doanh nghiệp.

Vấn đề tiếp nhận thông tin và giải quyết khó khăn, vướng mắc từ khu vực doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng, ngoài việc đối thoại tại Hội nghị Doanh nghiệp hàng năm, tỉnh cũng có sự phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp, coi đây là một kênh phản biện tích cực hỗ trợ cho công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh ngày càng hiệu quả.

UBND tỉnh đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, quan tâm dành vốn tín dụng đầu tư cho vay phát triển, thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường[4].

Bắt đầu triển khai thực hiện theo Luật Đầu tư năm 2014, tính đến hết Quý I năm 2016, UBND tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho trên 31 dự án mới với tổng số vốn khoảng 8.240 tỷ đồng; trong đó có một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Hòa Phát, Tổng công ty bò thịt Việt Nam đã được cấp chủ trương đầu tư vào tỉnh trong các lĩnh vực Trung tâm thương mại, chăn nuôi...

Thu hút nguồn vốn ODA được chú trọng, năm 2015 tỉnh đã ký Hiệp định vốn vay từ Quỹ phát triển Ả rập Xê út tài trợ cho 01 dự án đường giao thông với vốn ODA đạt 205 tỷ đồng, và đang triển khai dự án Hỗ trợ kỹ thuật hạ tầng Đông Bắc, với tổng vốn giai đoạn thực hiện dự án cho các hợp phần dự án của Lạng Sơn đạt khoảng 50 triệu USD. Vốn FDI: trong năm tỉnh có thêm 01 dự án FDI, lũy kế hiện có 30 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng số vốn đăng ký 228 triệu USD.

II. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19-2016/NQ-CP NGÀY 28/4/2016 CỦA CHÍNH PHỦ

1. Mục tiêu tổng quát

Trong hai năm 2016 - 2017 tập trung xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), phấn đấu chỉ số PCI cấp tỉnh nằm trong tốp trung bình khá.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của tỉnh.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp xuống còn 03 ngày; đặc biệt hiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính đối với đăng ký doanh nghiệp tối đa là 03 ngày làm việc và 01 ngày làm việc đối với đăng ký thay đổi các nội dung đăng ký doanh nghiệp.

- Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống còn 24 tháng.

- Mục tiêu đến năm 2020, thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 45 giờ/năm; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu đạt 95% trong nộp tờ khai, nộp thuế; công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm 100% hồ sơ hoàn thuế được kiểm tra.

- Thực hiện đúng quy trình đầu tư theo Luật Đầu tư (sửa đổi), khi sửa đổi bổ sung hồ sơ xin chủ trương đầu tư, xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, cơ quan quản lý chỉ thông báo duy nhất 01 lần bằng văn bản về toàn bộ nội dung sửa đổi, các giấy tờ còn thiếu.

- Tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới trong ngày làm việc, trường hợp phức tạp tối đa 10 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 12 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu.

- Đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian đối với một số lĩnh vực chuyên ngành, cụ thể: xin cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày (bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng, đăng ký tài sản sau hoàn công,...); Đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản xuống còn không quá 14 ngày; Thời gian tiếp cận điện năng đối với lưới điện trung áp tối đa 36 ngày.

- Công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục hành chính tại trụ sở, trang thông tin điện tử của cơ quan đơn vị, mẫu hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện và sự thống nhất cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp đến thực hiện các thủ tục theo quy định.

- Tạo thuận lợi, đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế.

[...]