Kế hoạch 774/KH-UBND năm 2023 triển khai Kế hoạch 101-KH/TU thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới do tỉnh Quảng Bình ban hành

Số hiệu 774/KH-UBND
Ngày ban hành 25/04/2023
Ngày có hiệu lực 25/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Hồ An Phong
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 774/KH-UBND

Quảng Bình, ngày 25 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH SỐ 101-KH/TU NGÀY 13/3/2023 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ VIỆC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 20-CT/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 13/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới (sau đây viết tắt là Chỉ thị số 20-CT/TW), Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 13/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW. Xác định nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm tăng mạnh số lượng lao động tỉnh Quảng Bình đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình.

- Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhất là về trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở các thị trường có điều kiện làm việc tốt, thu nhập cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức,...

- Phân công trách nhiệm thực hiện cho các sở, ban, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; phải xác định giải quyết việc làm thông qua đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

- Kế hoạch thực hiện phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. UBND cấp huyện có kế hoạch giao chỉ tiêu số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho cấp xã, trên cơ sở đó đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, đề ra giải pháp, chỉ đạo để cấp xã hoàn thành chỉ tiêu được giao;

II. MỘT SỐ CHỈ TIÊU THỰC HIỆN

1. Phấn đấu mỗi năm toàn tỉnh đưa khoảng 3.500 - 4.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó đối với cấp huyện phấn đấu thực hiện theo chỉ tiêu được giao hằng năm;

2. Trên 90% lao động được đào tạo ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trước khi đi làm việc ở nước ngoài đạt 60% trở lên vào năm 2025 và đạt 70% trở lên vào năm 2030.

3. Hằng năm có ít nhất 400 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc, miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Tỷ lệ người lao động bỏ trốn ở lại cư trú bất hợp pháp khi đi lao động ở nước ngoài toàn tỉnh dưới 20%, trong đó đối với Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) dưới 25%.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường sự chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

- Cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; ban hành kế hoạch, tập trung chỉ đạo thực hiện trên địa bàn.

- Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Ban, ngành, đoàn thể; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt được kết quả, hiệu quả cao nhất, phát triển phong trào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở địa phương.

- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, người lao động và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung thông tin, tuyên truyền, tư vấn phù hợp, cụ thể, rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của người lao động để qua đó giúp người lao động nâng cao nhận thức, sẵn sàng tham gia đi làm việc ở nước ngoài cũng như vận động, ủng hộ người thân tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Đề ra các giải pháp truyền thông hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương nhằm đảm bảo người lao động chấp hành đúng pháp luật về đi làm việc ở nước ngoài và thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, hạn chế tối đa tình trạng người lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

- Đa dạng các hình thức thông tin, tuyên truyền về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Chú trọng thông tin, tuyên truyền trực tiếp đến người lao động thông qua các phương tiện truyền thông, hệ thống truyền thanh, truyền hình, các trang mạng xã hội (zalo, facebook,...), các hội nghị, hội thảo; thông tin, tuyên truyền qua các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở.

- Thành lập, kiện toàn, duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo các cấp để thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ tỉnh đến cơ sở.

2. Thực hiện đào tạo nghề và giáo dục định hướng nghề nghiệp cho người lao động để tạo nguồn cung lao động có chất lượng khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài

- Chú trọng công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để khai thác và đưa người lao động đi làm việc ở các thị trường chất lượng cao như: Chương trình tiếp nhận các ngành kỹ sư, hộ lý, điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng trở lên sang làm việc tại Nhật Bản, Đức; đưa lao động có tay nghề sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và chương trình kỹ sư theo visa E7.

- Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với các trung tâm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và các kỹ năng cần thiết cho người lao động có nhu cầu tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khuyến khích các đơn vị có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài liên kết với các cơ sở đào tạo trên địa bàn để đào tạo nghề sát với thực tế công việc của phía đối tác nước ngoài ngay tại địa phương.

- Thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với trung tâm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm nhằm hỗ trợ người học nghề tìm việc làm sau tốt nghiệp, đào tạo nghề với đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

[...]