Kế hoạch 76/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình thực hiện Nghị quyết 96/2019/QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 76/KH-UBND
Ngày ban hành 20/07/2020
Ngày có hiệu lực 20/07/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 76/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 20 tháng 7 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 634/QĐ-TTG NGÀY 13/5/2020 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 96/2019/QH14 NGÀY 27/11/2019 CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIV VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM VÀ VI PHẠM PHÁP LUẬT, CÔNG TÁC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN, TÒA ÁN NHÂN DÂN VÀ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN

Thực hiện Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án (Quyết định số 634/QĐ-TTg); Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện với những nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu, yêu cầu chung

- Triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện các chương trình, chiến lược, đề án, dự án, văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thi hành án và cải cách hành chính, tư pháp; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia.

- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu, xác định rõ trách nhiệm và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

2. Mục tiêu, yêu cầu cụ thể

- Bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được thụ lý, tỷ lệ giải quyết đạt trên 90% và 100% số vụ có dấu hiệu tội phạm được thụ lý, điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố, điều tra theo đúng quy định; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt trên 75%; tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số vụ án khởi tố; tăng cường phòng, chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng; nâng tỷ lệ giải quyết và kết thúc điều tra các vụ án tham nhũng năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ thu hồi, kê biên, phong tỏa tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng đạt trên 60%; bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay và cung cấp đầy đủ tài liệu cần thiết đến cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền để xem xét việc khởi tố theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác giám định tư pháp, khắc phục tình trạng chậm trễ, nhất là trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

- Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực; giảm ít nhất 5% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; hạn chế thấp nhất số vụ cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và các vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Giảm số người bị tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính vì hành vi không cấu thành tội phạm; giảm số đối tượng bị tạm giữ, tạm giam chết thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở giam giữ; không tạm giữ, tạm giam chung người trong cùng vụ án, người dưới 18 tuổi với người trên 18 tuổi; không để người bị tạm giữ, tạm giam trốn khỏi nơi giam giữ. Quản lý chặt chẽ người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; hạn chế số người bị kết án phạt tù trốn, các trường hợp phạm nhân chết do đánh nhau, tự gây thương tích, tự sát, vi phạm pháp luật, phạm tội mới trong các cơ sở giam giữ.

- Nâng tỷ lệ thi hành án dân sự xong trên tổng số án có điều kiện thi hành năm sau cao hơn năm trước; bảo đảm 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực được ra quyết định thi hành đúng quy định của pháp luật. Đôn đốc, kiểm tra việc thi hành đối với 100% bản án hành chính có hiệu lực pháp luật.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Công tác quán triệt, triển khai thực hiện

a) Các sở, ban, ngành, đoàn thể

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV, Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an ninh trật tự, cải cách hành chính, tư pháp, thi hành án.

- Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các sở, ban, ngành để tổ chức triển khai thực hiện. Xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

b) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội khóa XIV, Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 13/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ gắn với thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác bảo đảm an ninh trật tự, cải cách hành chính, tư pháp, thi hành án.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị, tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã để tổ chức triển khai thực hiện. Xác định cụ thể trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu ở những nơi để xảy ra tội phạm tăng, phức tạp, hoạt động lộng hành, kéo dài nhưng không có biện pháp giải quyết kịp thời, triệt để. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

- Cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thi hành án vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm và từng giai đoạn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Phối hợp với các sở, ngành chức năng chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; lồng ghép các chương trình, nguồn lực và các dự án do địa phương quản lý, tổ chức huy động các nguồn lực để bổ sung, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ.

- Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, thi hành án tại địa phương; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nghiêm túc nội dung quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cán bộ, công chức có sai phạm trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thi hành án.

2. Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật

a) Sở Tư pháp

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tư pháp nhằm kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót, không để đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội và vi phạm pháp luật; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thi hành các quy định mới, bảo đảm kịp thời, thống nhất và đạt kết quả, hiệu quả cao.

b) Công an tỉnh

Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo hành lang pháp lý cần thiết phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án hình sự.

[...]