Kế hoạch 752/KH-UBND năm 2024 phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2025 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 752/KH-UBND
Ngày ban hành 31/07/2024
Ngày có hiệu lực 31/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thị Minh Thúy
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 752/KH-UBND

An Giang, ngày 31 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG NĂM 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường.

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (quy định thời hạn để thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn chậm nhất là ngày 31/12/2024), Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2025 và định hướng đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, hình thành thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở từng cá nhân, tổ chức; tạo ý thức tự giác chấp hành phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ngay khi có phát sinh.

Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng, giảm khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải xử lý, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý, đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Yêu cầu

Triển khai Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp, các ngành, cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ xã hội và ngân sách các cấp để đạt được các mục tiêu của Kế hoạch.

Công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được tổ chức triển khai đồng bộ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; thường xuyên đánh giá, cải tiến trong quá trình thực hiện; huy động sự tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác tại công sở; bố trí thùng rác để phân loại tại cơ quan, đơn vị.

Cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh gương mẫu, thực hiện nghiêm túc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Kế hoạch; đồng thời, tham gia tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Năm 2025

- Tất cả các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, tập kết, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

- Xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (sổ tay, video clip, hướng dẫn kỹ thuật hoặc các hình thức khác phù hợp) và đội ngũ tuyên truyền viên cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

- 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt tỷ lệ từ 50%.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 90%.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý đạt 70%.

- Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%.

- Tỷ lệ chất thải hữu cơ được tận dụng ủ compost đạt 10%.

2. Mục tiêu đến năm 2030

[...]