Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2023 triển khai thực hiện Quyết định 1520/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 11/04/2023
Ngày có hiệu lực 11/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1520/QĐ-TTG NGÀY 09/12/2022 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH "ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG PHỤC VỤ HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG THƯ VIỆN, BẢO TÀNG, TRUNG TÂM VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030" TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" (Quyết định số 1520/QĐ-TTg) và Công văn số 1084/BVHTTDL-TV ngày 24/3/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1520/QĐ-TTg như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, tự do hình thành thói quen, phát triển năng lực học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân về vị trí, vai trò của việc học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức các hoạt động, thu hút người dân hình thành thói quen học tập suốt đời trong các thiết chế văn hóa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa.

2. Yêu cầu

- Các thiết chế văn hóa thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa cần tổ chức các hoạt động, dịch vụ phục vụ học tập suốt đời phù hợp với các nhu cầu, đối tượng, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa để phục vụ người dân đến đọc sách, tham quan, tìm hiểu kiến thức nhằm gia tăng số lượng người dân được tiếp cận với thông tin, tri thức, phục vụ nhu cầu học tập, mở rộng tầm hiểu biết.

- Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ công chúng.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá. Đẩy mạnh chuyển đổi số tạo điều kiện để người dân có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống tri thức mở, linh hoạt với nhiều mô hình, từ đó hình thành thói quen, phát triển năng lực tự học tập, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng.

- Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục, học tập trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ phù hợp đối tượng người sử dụng ở địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhất là người dân ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được học tập thường xuyên, từ đó khuyến khích nhu cầu, thói quen học tập suốt đời, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo, kỹ năng lao động; cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Đối với hệ thống thư viện

- Đến năm 2025:

+ Thư viện công cộng cấp tỉnh, 70% thư viện công cộng cấp huyện, 40% thư viện công cộng cấp xã, 90% thư viện các trường cao đẳng, đại học, 80% thư viện lực lượng vũ trang và công an, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện.

+ Thư viện công cộng cấp tỉnh, 50% thư viện công cộng cấp huyện, 15% thư viện công cộng cấp xã, 60% thư viện các trường, cao đẳng, đại học, 80% thư viện lực lượng vũ trang, công an, 50% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 8% mỗi năm.

- Đến năm 2030:

+ Thư viện công cộng cấp tỉnh, 90% thư viện công cộng cấp huyện, 60% thư viện công cộng cấp xã, 100% thư viện các trường cao đẳng, đại học, 100% thư viện lực lượng vũ trang, công an, 90% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện.

+ Thư viện công cộng cấp tỉnh, 100% thư viện công cộng cấp huyện, 30% thư viện công cộng cấp xã, 80% thư viện các trường, cao đẳng, đại học, 80% thư viện lực lượng vũ trang, công an, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý, tổ chức hoạt động phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện. Xây dựng hình thành 2 - 4 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, chú trọng đối tượng thanh, thiếu nhi và người cao tuổi…

2.2. Đối với bảo tàng

- Đến năm 2025: Hoàn thành việc chỉnh lý trưng bày trong nhà và ngoài trời; sử dụng công nghệ số (3D), số hóa, âm thanh, hình ảnh động vào các phòng trưng bày; xây dựng các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng; mỗi năm số hóa từ 50-100 hiện vật tại bảo tàng, sưu tầm từ 80-100 tài liệu, hiện vật; xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên bảo tàng theo quy chuẩn, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phấn đấu có 02-04 thuyết minh viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn bảo tàng; mỗi năm có từ 02-04 cuộc phối hợp trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động; phấn đấu khách đến tham quan bảo tàng từ 15.000-18.000 lượt khách/năm; phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức, cá nhân xây dựng 01- 02 bảo tàng tư nhân.

- Đến năm 2030: Bảo tàng tỉnh có quy mô, diện tích và các điều kiện hoạt động đáp ứng là bảo tàng trọng điểm của khu vực; thực hiện chỉnh lý, cải tạo quy chuẩn toàn bộ đai trưng bày; kiểm kê, phân loại 100% tài liệu, hiện vật tại bảo tàng tỉnh; số hóa 70% hiện vật tại bảo tàng; nâng cao chất lượng công tác thuyết minh cả về ngoại ngữ, xây dựng hệ thống thuyết minh tự động; phấn đấu khách đến tham quan bảo tàng là 20.000 lượt khách/năm; phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức, cá nhân xây dựng 02-04 bảo tàng tư nhân.

2.3. Đối với hệ thống trung tâm văn hóa các cấp

- Đến năm 2025: Hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh là trung tâm tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, triển lãm cấp tỉnh. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu của tỉnh cơ bản được đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ, đạt chuẩn, đứng trong tốp đầu các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc. Trong đó, có 70 - 80% đơn vị cấp huyện có nhà văn hóa đa năng, sân vận động, quảng trường trung tâm, nhà thi đấu thể thao, trụ sở thư viện độc lập; 100% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp với từng nhóm lứa tuổi, sở thích.

- Đến năm 2030, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao chủ yếu của tỉnh đạt các tiêu chí quy định, đáp ứng các yêu cầu về hoạt động chuyên môn, phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại, là một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc. 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.

[...]