Kế hoạch 74/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Số hiệu 74/KH-UBND
Ngày ban hành 03/04/2023
Ngày có hiệu lực 03/04/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Trần Hoàng Tuấn
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 03 tháng 4 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH “ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG TẠI CÁC DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Thực hiện Quyết định số 1268/QĐ-TTg ngày 19/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” và trên cơ sở đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh tại Công văn số 1966/LĐLĐ ngày 20/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

1. Mục đích

Nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động và toàn xã hội về tầm quan trọng, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động tại doanh nghiệp; xây dựng được đội ngũ công nhân lao động có trình độ tay nghề, kỷ luật lao động, nhận thức chính trị, kiến thức pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

2. Yêu cầu

- Chính quyền các cấp, các sở, ban ngành, tổ chức chính trị- xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, xây dựng đề án, chương trình cụ thể để thực hiện nghiêm túc các nội dung của Kế hoạch này.

- Việc triển khai thực hiện cần có sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp để tạo sự thống nhất trong nội dung, hình thức, sát với nhu cầu thiết thực của công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc trong công nhân lao động; tuyên truyền, vận động để công nhân lao động tại doanh nghiệp hình thành thói quen tự học, tích cực học tập suốt đời; hỗ trợ, tạo điều kiện để công nhân lao động tại các doanh nghiệp được học tập nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc; tiếp cận hệ thống giáo dục mở, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Về chính trị, pháp luật: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 70%, đến năm 2030 đạt 90% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công nhân lao động gắn với những nội dung lý luận về chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

b) Về kỹ năng nghề nghiệp: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng nghề.

c) Về kỹ năng sống: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030 đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống.

d) Về ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 40%, đến năm 2030 đạt 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số.

đ) Về mô hình học tập: Phấn đấu đến năm 2025 đạt 30%, đến năm 2030 đạt 50% công nhân lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập” do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

a) Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và công nhân lao động về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

b) Biên soạn tài liệu về học tập suốt đời cho công nhân lao động; tập huấn cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ công đoàn cơ sở về kỹ năng tuyên truyền, vận động công nhân lao động tham gia các hoạt động học tập suốt đời.

c) Hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam hằng năm; tuyên truyền, phổ biến, vận động công nhân lao động phấn đấu đạt danh hiệu “Công dân học tập”, có kỹ năng số để có thể tự tìm kiếm, sử dụng, chia sẻ thông tin trên môi trường số, internet.

d) Biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các gương công nhân lao động và con công nhân lao động hiếu học; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay trong tổ chức hoạt động học tập suốt đời, xây dựng mô hình học tập suốt đời trong công nhân lao động.

2. Triển khai các biện pháp hỗ trợ công nhân lao động được học tập thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập suốt đời

a) Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ công nhân lao động được học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

b) Tham gia góp ý xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mới cho công nhân, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

c) Vận động các doanh nghiệp bố trí nguồn kinh phí cho việc khuyến khích học tập, nâng cao tay nghề; tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ công nhân lao động được tham gia học tập suốt đời.

[...]