Kế hoạch 730/KH-UBND năm 2021 thực hiện Quyết định 1630/QĐ-TTg và Kế hoạch 49-KH/TU thực hiện Kết luận 06-KL/TW tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Số hiệu 730/KH-UBND
Ngày ban hành 30/11/2021
Ngày có hiệu lực 30/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Phạm Duy Hưng
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 730/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 30 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1630/QĐ-TTG NGÀY 28/9/2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ KẾ HOẠCH SỐ 49-KH/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 06-KL/TW CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG TIẾP TỤC THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 40-CT/TW VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN

Thực hiện Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 12/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tổ chức thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 49-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kế hoạch thực hiện Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

b) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

c) Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở trong việc bố trí nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

b) Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 49-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

c) Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; phát huy được vai trò và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị trong công tác tín dụng chính sách xã hội, giúp đỡ, khuyến khích các đối tượng chính sách xã hội vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu chính đáng.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Nhiệm vụ và giải pháp

1.1. Tăng cường sự chỉ đạo của các Sở, Ban, Ngành, chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị có liên quan đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội

a) Tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt sâu rộng nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, Quyết định số 1630/QĐ-TTg và Kế hoạch số 49-KH/TU đến toàn thể đảng viên, cán bộ, viên chức và người lao động, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến tín dụng chính sách xã hội nắm được tinh thần, nội dung chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

b) Xác định nhiệm vụ chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các Sở, Ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan. Xem xét chuyển các quỹ của đơn vị hiện đang gửi tại các tổ chức tín dụng khác gửi vào Ngân hàng CSXH. Đồng thời tuyên truyền, vận động đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đơn vị biết, sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của cá nhân gửi vào Ngân hàng CSXH để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội; gắn với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.

c) Nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của chính quyền các cấp trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; điều tra, rà soát, bổ sung đối tượng đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

d) Chỉ đạo xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nhằm giúp người vay sử dụng vốn vay có hiệu quả, cải thiện đời sống và trả được nợ ngân hàng.

1.2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và các tổ chức chính trị - xã hội tham gia thực hiện tín dụng chính sách xã hội trong việc:

a) Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

b) Thực hiện tốt chức năng giám sát cộng đồng, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và tín dụng chính sách xã hội.

c) Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các công việc được Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; lồng ghép các nội dung được ủy thác với các chương trình, dự án và hoạt động thường xuyên của tổ chức chính trị-xã hội; làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi... tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình trong việc vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

d) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai, mở rộng cuộc vận động vì người nghèo nhằm bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Xem xét chuyển các quỹ của đơn vị hiện đang gửi tại các tổ chức tín dụng khác gửi vào Ngân hàng CSXH, đồng thời tuyên truyền, vận động đến toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân sử dụng nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi của cá nhân gửi vào Ngân hàng CSXH để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

đ) Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp xác định nhiệm vụ ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm hằng năm của đơn vị, là một trong những tiêu chí thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm của cán bộ Hội, Đoàn thể.

2. Phân công trách nhiệm

2.1. Ủy ban nhân dân các cấp

[...]