UBND TỈNH NGHỆ AN
BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ
DINH DƯỠNG TỈNH NGHỆ AN
GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 711/KH-BCĐDD
|
Nghệ
An, ngày 04 tháng 11 năm 2015
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM HỌC 2015 - 2016
Thực hiện Quyết định số
4507/QĐ-UBND.VX ngày 06/10/2015 về việc phê duyệt Đề án Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học
2015 - 2016; Công văn số 7678/UBND.VX
về việc tiếp nhận nhà tài trợ thực hiện Đề án
"Thí điểm Chương trình sữa học
đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An
năm học 2015 - 2016" của Ủy ban nhân
dân tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện
Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng
trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2014 - 2020 xây dựng kế hoạch triển khai thực
hiện Đề án như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Triển khai kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung được đề cập trong Đề án thí điểm Chương trình Sữa học đường trên
địa bàn toàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016.
- Phát huy tối đa trách nhiệm của các
Sở, ngành, UBND các cấp và các đoàn thể xã hội liên quan trong việc triển khai
Đề án nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
- Huy động mọi nguồn lực xã hội vào
việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
2. Yêu cầu
Tổ chức thực hiện tại tất cả các huyện,
thành, thị trong tỉnh theo nguyên
tắc đề cao tính đồng thuận của phụ huynh học sinh. Có lộ trình triển khai
tại các huyện phù hợp theo mức độ thuận lợi, khuyến khích tất cả các trường mầm
non và tiểu học trên địa bàn toàn tỉnh đều được triển khai Chương trình sữa học
đường trong năm học 2015 - 2016 (với sự hỗ trợ của doanh nghiệp cung ứng sữa và
các nhà hảo tâm). Trong đó 03 huyện Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu và UBND Thành phố Vinh được thí điểm cấp hỗ trợ một phần ngân sách tỉnh để đánh giá, rút
kinh nghiệm sau kết thúc năm học 2015 - 2016.
- Thực hiện cụ thể nội dung công việc, bảo đảm tiến độ, chất lượng, thời hạn
hoàn thành. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm đã đề ra của các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị
liên quan.
- Các sở,
ngành, chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt
chẽ và thực hiện đầy đủ các nội
dung của Đề
án.
II. NỘI DUNG
1. Thành lập Ban chỉ đạo Chương
trình Sữa học đường tại các huyện, thành, thị và các đơn vị trường học
- Ban Chỉ đạo thực hiện Chiến lược quốc
gia về dinh dưỡng các huyện, thành, thị có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chương
trình Sữa học đường trên địa bàn của địa phương quản lý trên cơ sở phân công
nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
- Các Trường mầm non, tiểu học ban
hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại nhà trường
bao gồm: Trưởng ban là Hiệu trưởng, 2 phó trưởng ban là Hiệu phó và Kế toán, các thành viên liên quan khác. Ban chỉ đạo phân công trách nhiệm cụ thể cho từng
thành viên.
Phân công thực hiện:
- Ủy
ban nhân dân các huyện, thành, thị chỉ đạo kiện toàn hoặc thành lập mới
(trong trường hợp cấp huyện chưa thành lập) BCĐ thực hiện chiến lược Quốc gia về
dinh dưỡng để chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường trên địa
bàn quản lý.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo
các Trường mầm non, tiểu học thành lập Ban chỉ đạo Chương trình Sữa học đường tại
nhà trường.
c) Thời gian thực hiện: Trước
10/11/2015
2. Công tác truyền thông
a) Nội dung: Tập trung vào:
- Mục đích, ý nghĩa xã hội, lợi ích của
chương trình trong việc phòng, chống suy dinh dưỡng, cải thiện tầm vóc, phát
triển trí tuệ của trẻ em; đặc biệt là quyền lợi và nghĩa vụ của phụ huynh và học
sinh khi tự nguyện tham gia Chương trình Sữa học đường. Đặc biệt, cơ chế hỗ trợ
của Chương trình Sữa học đường cần được truyền thông rộng rãi, cụ thể tới tất cả
các đối tượng thụ hưởng và các bên liên quan;
- Tiêu chuẩn sữa học đường được phê
duyệt trong Đề án.
b) Hình thức truyền thông: Thực hiện
thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cũng như trực tiếp tại cộng đồng,
nhà trường:
- Phát sóng trên Đài Phát thanh -
Truyền hình Nghệ An vào khung giờ vàng;
- Quảng bá trên hệ thống đài phát thanh của
tỉnh, huyện, xã;
- Đăng tin bài về chương trình trên hệ
thống báo chí trên địa bàn tỉnh;
- Tuyên truyền bằng Pano và băng rôn
về Chương trình Sữa học đường tại trung tâm các huyện, thành thị và các điểm
trường chính;
- Tờ rơi và các ấn phẩm truyền thông
về Chương trình Sữa học đường;
- Trên bảng tin của UBND xã, phường,
thị trấn về chính sách hỗ trợ của Chương
trình Sữa học đường;
- Thông qua Ban đại diện cha mẹ học
sinh và phụ huynh; Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp để đảm bảo tính đồng thuận, tự
nguyện của phụ huynh học sinh.
c) Phân công thực hiện:
- Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông về triển
khai Chương trình Sữa học đường theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
- UBND
các huyện, thành, thị; UBND các xã, phường, thị trấn: Thực hiện công tác truyền
thông Chương trình Sữa học đường theo chỉ đạo của
UBND tỉnh trên địa bàn quản lý.
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối
hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch truyền thông chi tiết và tổ chức
triển khai thực hiện công tác tuyên truyền theo đúng kế hoạch đề ra.
d) Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ
tháng 11/2015 đến hết năm học 2015 - 2016.
3. Khảo sát đối tượng học sinh thuộc
các diện trước khi triển khai
a) Nội dung: Rà soát, thống kê lại số lượng học sinh thuộc các diện thụ hưởng tham
gia chương trình theo từng Phòng Giáo dục, từng trường.
b) Phân công thực hiện:
Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện
triển khai việc thống kê danh sách các nhóm đối tượng học sinh tham gia Chương
trình.
c) Thời gian thực hiện: Hoàn thành
trước ngày 15/11/2015
4. Công tác tập huấn thực hiện
Chương trình
a) Nội dung: Triển khai công tác tập
huấn Chương trình Sữa học đường cho các cán bộ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở
Y tế và các đơn vị liên quan; cán bộ thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế
các huyện, thành, thị; nhân viên thực hiện Chương trình tại các trường học và
phụ huynh học sinh.
Chương trình tập huấn bao gồm:
- Tập huấn nâng cao năng lực cho cán
bộ thực hiện Chương trình thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và các phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Y tế cấp huyện;
- Tập huấn triển khai cho các nhân
viên thực hiện Chương trình tại các trường mầm non, tiểu học;
b) Phân công thực hiện:
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối
hợp với Tập đoàn TH và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện công tác tập huấn;
Đảm bảo các thành phần tham gia đầy đủ theo kế hoạch.
- Các trường mầm non, tiểu học trên
toàn tỉnh: Phân công cán bộ đầu mối trong công tác triển khai Chương trình Sữa
học đường tại trường, bao gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Kế toán, Giáo viên
phụ trách dinh dưỡng (đối với trường mầm non), Tổng phụ trách đội (đối với trường
tiểu học) tham gia tập huấn.
- Tập đoàn TH phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, các Phòng Giáo dục lên kế hoạch tập huấn chi tiết và triển khai
công tác tập huấn.
c) Thời gian thực hiện: Bắt đầu triển
khai vào tháng 11/2015
5. Triển khai thống kê số lượng học
sinh đăng ký tham gia chương trình
a) Nội dung:
- Thống kê, tổng hợp số lượng học sinh tham gia chương trình thuộc
các diện để lên kế hoạch chuẩn bị sữa.
- Các học sinh thuộc diện ưu tiên
tham gia chương trình nộp bản sao công chứng giấy chứng nhận thuộc diện ưu tiên
của cấp có thẩm quyền.
b) Phân công thực hiện:
- Các trường mầm non, tiểu học: Thống
kê, tổng hợp số lượng học sinh tham gia chương trình báo cáo Phòng Giáo dục và
Đào tạo sở tại.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện,
thành, thị: Tổng hợp số lượng học sinh tham gia chương trình từ các trường, báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo; cử đầu
mối tiến hành đặt hàng với Tập đoàn TH (bằng văn bản).
- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chỉ đạo các
phòng Giáo dục và Đào tạo phân công đầu mối triển khai, tiến hành ký kết hợp đồng
cung ứng sữa với Tập đoàn TH.
- Tập đoàn TH: Làm việc với Sở Giáo dục
và Đào tạo về số lượng học sinh tham gia và làm việc với các phòng Giáo dục và
Đào tạo xác nhận số lượng sữa cần cung ứng và chuẩn bị các điều kiện ký kết
hợp đồng cung ứng sữa.
c) Thời gian thực hiện: Công tác thống
kê số lượng đăng ký cần được triển khai
trong tháng 11/2015.
6. Chuẩn bị cơ sở hạ tầng, ký hợp
đồng, tiếp nhận và triển khai cho học sinh uống sữa học đường:
a) Nội dung:
- Công tác chuẩn bị hạ tầng cơ sở bảo
quản sữa.
- Triển khai ký đặt hàng và hợp đồng.
- Triển khai giao hàng.
- Triển khai thu tiền thanh toán hợp
đồng.
- Triển khai cho trẻ uống sữa tại trường.
- Theo dõi, giám sát quá trình triển
khai.
- Tổng hợp báo cáo và điều chỉnh kế hoạch (nếu cần thiết).
b) Phân công thực hiện:
- Tập đoàn TH:
+ Hỗ
trợ các trường mầm non, tiểu học mượn các kệ gỗ để chứa hàng tại các điểm trường. Hướng dẫn quy cách xếp hàng trên kệ gỗ và cách bảo quản hàng hóa theo từng chủng
loại sữa.
+ Ký hợp đồng nguyên tắc với các
phòng giáo dục, xác nhận thông tin đơn hàng và lên kế hoạch giao hàng cụ thể cho từng trường, Phòng Giáo dục (Đơn
hàng định kỳ dự kiến).
+ Giao hàng theo nội dung hợp đồng, số lượng đặt hàng và phù hợp với đặc điểm địa hình của từng trường. Thực hiện giao
hàng theo từng trường (nếu địa hình thuận tiện) hoặc theo từng Phòng Giáo dục
và Đào tạo (nếu xe vận chuyển sữa
không vào được đến từng trường).
+ Chương
trình hỗ trợ chi phí giao nhận, bốc dỡ sữa cho các đầu mối của Phòng Giáo dục và Đào tạo và các trường.
- Phòng Giáo dục và Đào tạo:
+ Lập danh sách chi tiết số lượng học sinh các trường học tham gia Chương
trình gửi cho Tập đoàn TH làm cơ sở cho việc đặt hàng định kỳ.
+ Cung cấp danh sách người liên hệ của
từng trường, của Phòng Giáo dục và Đào tạo được ủy quyền hợp pháp của Phòng
thay mặt trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo giao dịch với Tập đoàn TH.
+ Cung cấp kịp thời thông tin giao nhận
sữa về các trường để các trường bố trí nhân lực nhận sữa đúng hạn
+ Ký hợp đồng nguyên tắc cung ứng sữa
theo Chương trình. Lịch trình giao sữa cụ thể tới từng trường;
+ Tổ chức thu tiền từ các trường tương ứng với số lượng học sinh tham gia và thanh toán cho Tập đoàn TH theo hợp đồng
+ Chỉ
đạo các trường hoặc trực tiếp
bố trí địa điểm kho, nhân lực để quản lý, bảo quản sữa an toàn.
+ Báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo tỉnh kết quả thực hiện Chương
trình (qua Sở Y tế) 3 tháng/lần vào ngày cuối quý
- Phòng Y tế y Trạm y tế xã: Cử cán bộ theo dõi, giám sát quá trình cho học sinh uống sữa nhằm đảm
bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
- Các trường học:
+ Tổ chức thu tiền mua sữa theo từng
nhóm đối tượng thụ hưởng; Tổng hợp
và thanh toán (bằng cách chuyển khoản qua ngân hàng) tiền mua sữa nộp cho Phòng
Giáo dục.
+ Triển khai cho trẻ uống sữa tại trường
+ Theo dõi, giám sát, thống kê và
đánh giá chỉ số sức khỏe của trẻ định kỳ trước, trong và sau khi kết
thúc năm học 2015 - 2016;
+ Báo cáo kết quả thực hiện Chương
trình (số lượng học sinh tham gia,
sự thay đổi chỉ số sức khỏe của tất
cả các học sinh của trường)
c) Thời gian thực hiện: Tháng
11/2015, đảm bảo đầu tháng 12/2015 các cháu bắt đầu được uống sữa theo
Chương trình.
7. Huy động nguồn kinh phí để triển
khai thực hiện Chương trình
a) Nội dung
Thành lập Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm
vóc Việt tỉnh Nghệ An nhằm huy động nguồn lực kinh phí từ Doanh nghiệp, các nhà
tài trợ để chi hỗ trợ mua sản phẩm sữa cho học sinh ngoài khoản đóng góp của phụ
huynh.
b) Phân công thực hiện
- Doanh nghiệp tài trợ chủ trì triển
khai thành lập và tự cân đối tài chính để thực hiện thí điểm Chương trình Sữa học
đường năm học 2015 - 2016. Doanh nghiệp thực hiện việc báo cáo hoạt động của Quỹ Sữa học đường - Vì Tầm vóc Việt tỉnh Nghệ An
cho UBND tỉnh (thông qua Sở Y tế)
theo đúng quy định.
- Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược Quốc
gia về dinh dưỡng tỉnh phối hợp với Doanh nghiệp tài trợ huy động thêm kinh phí
từ các nhà tài trợ khác.
c) Thời
gian: Từ tháng 11/2015
III. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo,
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ được phân công theo Kế hoạch và các nội dung khác theo chỉ đạo của UBND
tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với nhà tài trợ để
theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp tình hình, kết quả
thực hiện, báo cáo UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
- Hỗ
trợ thực hiện truyền thông về chương trình, đảm bảo chương trình được
truyền thông tốt nhất đến từng đối
tượng thụ hưởng và công chúng. Kiểm soát tốt nhất về các rủi ro vận hành, truyền
thông.
2. Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chịu
trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức triển khai các nội dung Kế hoạch tại địa bàn; Phối hợp với các Sở, Ngành để triển khai thực
hiện Kế hoạch có hiệu quả. Định kỳ 03 tháng/lần báo cáo Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Sữa học đường cấp
tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch
này.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh
Giám sát quá trình triển khai thực hiện
Đề án, phản ánh kịp thời tới các Sở, ngành chức năng tùy theo nội dung cụ thể;
vận động các tầng lớp quần chúng nhân dân ủng hộ chương trình.
4. Tập đoàn TH
Cung cấp nguồn sữa đảm bảo tiêu chuẩn
sữa học đường trong nội dung Đề án; Chủ động phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai các nội
dung Đề án kịp tiến độ.
Trên đây là Kế hoạch triển khai Đề án Thí điểm Chương trình Sữa học đường trên địa
bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015 - 2016. Trong quá trình triển khai nếu gặp các vướng
mắc và vấn đề phát sinh các đơn vị phản ánh (bằng văn bản) về Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình (qua cơ quan thường
trực là Sở Y tế) để báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh để đảm bảo
thực hiện Kế hoạch tốt nhất./.
Nơi nhận:
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Các sở: Y tế; GD&ĐT; LĐTB&XH; Tài chính;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CV: VX;
- Lưu: VT.
|
TRƯỞNG BAN
PCT. UBND TỈNH NGHỆ AN
Đinh Thị Lệ Thanh
|