Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 thành phố Hải Phòng

Số hiệu 71/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2021
Ngày có hiệu lực 19/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 19 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỞ RỘNG TẦM SOÁT, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ MỘT SỐ BỆNH, TẬT TRƯỚC SINH VÀ SƠ SINH ĐẾN NĂM 2030 THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý

- Pháp lệnh Dân số số 06/2003/PL-UBTVQH11;

- Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;

- Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030;

- Quyết định số 1999/QĐ-TTg ngày 07/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030;

- Thông tư số 34/2017/TT-BYT ngày 18/8/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

- Thông tư số 30/2019/TT-BYT ngày 03/12/2019 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2017/TT-BYT ngày 18/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

- Quyết định số 1807/QĐ-BYT ngày 21/4/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật trong sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh;

- Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 10/01/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Quyết định số 617/QĐ-UBND ngày 26/3/2018 của UBND thành phố Hải Phòng về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ và Chương trình hành động số 51-CTr/TU ngày 10/01/2018 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới;

- Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 01/7/2020 của UBND thành phố Hải Phòng về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố Hải Phòng;

- Công văn 7375/BYT-TCDS ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030.

2. Căn cứ thực tiễn

Ngày 31/3/2007, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền vận động, phát hiện can thiệp sớm tật bệnh ở thai nhi và sơ sinh, đến nay Đề án đã được triển khai tại 100% quận, huyện, xã, phường, thị trấn, tuy nhiên các bệnh sàng lọc ở trẻ sơ sinh được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước mới chỉ có 2 bệnh có tần suất mắc cao trong cộng đồng, có khả năng điều trị được, đó là thiếu men G6PD và suy giáp trạng bẩm sinh. Do ngân sách Nhà nước hỗ trợ ít nên đối tượng của chương trình thu hẹp trong diện miễn phí theo quy định của Nhà nước. Bên cạnh đó sàng lọc trước sinh và sơ sinh theo cơ chế xã hội hóa cũng đã và đang được triển khai, tuy nhiên tỷ lệ còn thấp, năm 2020, tỷ lệ phụ nữ mang thai được khám sàng lọc trước sinh đạt 65%, tỷ lệ trẻ mới sinh được sàng lọc sơ sinh đạt 55%.

Nguyên nhân khiến tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp là do nhận thức của người dân về sự cần thiết khám sức khỏe, tầm soát để được phát hiện và can thiệp sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh còn hạn chế, chưa trở thành nhu cầu chủ động. Việc tiếp cận sử dụng dịch vụ này còn chưa rộng rãi, đặc biệt ở khu vực ngoại thành, nông thôn. Do đó, những đứa trẻ sinh ra không may bị dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

Việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh là việc làm hết sức quan trọng, không chỉ đối với cá nhân, mỗi gia đình mà chính là bước đi lâu dài của ngành y tế nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng dân số Việt Nam, theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phổ cập dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh nhằm nâng cao chất lượng dân số góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030 thành phố Hải Phòng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Mục tiêu 1: Tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 70%;

[...]