Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2017 về thực hiện đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 71/KH-UBND
Ngày ban hành 04/07/2017
Ngày có hiệu lực 04/07/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Đồng Văn Thanh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 4 tháng 7 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nguồn lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 284/UBDT-CSDT ngày 30 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu:

Nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực, tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó, ưu tiên dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách so với trình độ chung của tỉnh và quốc gia; xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thị trường lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Nâng cao thể lực:

- Tăng cường sức khỏe của người dân tộc thiểu số: đến năm 2020, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 01 tuổi người dân tộc thiểu số xuống còn 0,52‰, năm 2030 là dưới 0,43‰; phấn đấu đến năm 2020, nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 75 tuổi, năm 2030 là khoảng 76 tuổi, gần với tuổi thọ bình quân quốc gia.

- Nâng thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số: đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 05 tuổi còn dưới 22% và năm 2030 dưới 17%.

b) Phát triển trí lực:

- Đến năm 2020, có ít nhất 3% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 99,9%, trung học cơ sở là 88%, trung học phổ thông là 79%; phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học.

- Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 5 đến 10 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số), năm 2030 đạt từ 10 - 15 sinh viên/vạn dân.

- Phấn đấu đến năm 2020, đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 0,3%, năm 2030 là 2% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học.

- Đến năm 2020, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đạt từ 0,5% - 0,8%, phấn đấu đến năm 2030, đạt 10%.

c) Nâng cao nhận thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:

- Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống và khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh dân tộc thiểu số.

- Đến năm 2020, phấn đấu đạt 50% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm, năm 2030 đạt 80%.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

a) Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, củng cố mạng lưới các trường, cơ sở đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số, tập trung ưu tiên đào tạo cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, tăng cường củng cố, mở rộng quy mô hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, đảm bảo đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cho học sinh.

b) Mở rộng việc dạy, học tiếng nói và chữ viết dân tộc thiểu số; phát triển số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên người dân tộc thiểu số.

c) Người dân tộc thiểu số trong nhóm các dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp khi học cao học, nghiên cứu sinh được miễn học phí, giáo trình, tài liệu học tập và hỗ trợ tiền ăn, ở hàng tháng (trong thời gian học thực tế) bằng mức lương cơ sở.

2. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe:

a) Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số; phụ nữ mang thai và bà mẹ nuôi con bú được cấp miễn phí các vi chất dinh dưỡng cần thiết theo khuyến cáo của ngành y tế.

b) Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe người dân, đầu tư hoàn thiện Trạm Y tế xã; đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ y, bác sĩ tuyến huyện, xã; đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ấp đạt chuẩn; phát triển ngành y tế dự phòng, mạng lưới y học gia đình.

c) Tổ chức tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí cho thanh niên dân tộc thiểu số, phụ nữ mang thai được quản lý thai, khám thai định kỳ.

[...]