Nghị quyết 52/NQ-CP năm 2016 đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 52/NQ-CP
Ngày ban hành 15/06/2016
Ngày có hiệu lực 15/06/2016
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 52/NQ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 06 năm 2016

 

NGHỊ QUYẾT

ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Trên cơ sở ý kiến của các Thành viên Chính phủ,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của đất nước. Với sự quan tâm của Đảng và Chính phủ những năm qua nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế, bên cạnh những thành tựu đạt được, nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém: Lao động dân tộc thiểu số chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; nhận thức, kỹ năng sống, khả năng thích ứng môi trường mới còn hạn chế; tác phong và kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn.

Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số là do đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, vùng thường xảy ra thiên tai, tỷ lệ hộ nghèo cao, khả năng tiếp cận với với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo còn nhiều hạn chế, tồn tại nhiều thủ tục lạc hậu. Các chính sách trực tiếp và gián tiếp liên quan đến phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa đủ nguồn lực để phát triển.

Để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, nâng cao dân trí góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, Chính phủ đã thảo luận và quyết nghị về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030 như sau:

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu:

Nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hợp lý, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số có nguồn nhân lực còn hạn chế để từng bước thu hẹp khoảng cách với trình độ chung của quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, nhu cầu thị trường lao động hiện tại và tương lai; xây dựng đội ngũ trí thức, doanh nhân, cán bộ người dân tộc thiểu số và lao động trực tiếp có chất lượng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh quốc gia và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Nâng cao thể lực:

- Tăng cường sức khỏe người dân tộc thiểu số: Giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người dân tộc thiểu số đến 2020 xuống 25‰, năm 2030 là 14‰; trong đó, ở 02 vùng trọng điểm miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người và một số dân tộc: Kháng, Gia Rai, Ba Na, Mông, Thái, Khmer, Raglai, XTiêng, Khơ Mú, Co, Giẻ Triêng (sau đây gọi tắt là nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp) tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi năm 2020 tối đa là 26‰ và 2030 là 15‰. Phấn đấu đến năm 2020 nâng tuổi thọ bình quân của người dân tộc thiểu số lên 73 tuổi, năm 2030 khoảng 75 tuổi gần với tuổi thọ bình quân quốc gia;

- Nâng thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số dưới 5 tuổi đến năm 2020 còn 29% và 2030 xuống 19%; trong đó ở nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi năm 2020 tối đa là 30% và năm 2030 còn 20%.

b) Phát triển trí lực

- Đến năm 2020, có ít nhất 25% trẻ em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi nhà trẻ và 75% trong độ tuổi mẫu giáo được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi bậc tiểu học là 97%, trung học cơ sở 93% và 50% người trong độ tuổi đạt trình độ học vấn trung học phổ thông và tương đương. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học đúng tuổi gần với mức bình quân của cả nước ở tất cả các cấp học;

- Phấn đấu đến năm 2020, số sinh viên người dân tộc thiểu số (đại học, cao đẳng) đạt từ 130 đến 150 sinh viên/vạn dân (người dân tộc thiểu số), nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực rất thấp đạt tối thiểu 130 sinh viên/vạn dân; năm 2030 đạt từ 200 - 250 sinh viên/vạn dân;

- Đào tạo sau đại học cho người dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ khoảng 0,4%, năm 2030 là 0,7% trong tổng số lao động dân tộc thiểu số đã qua đào tạo, ưu tiên các dân tộc chưa có người ở trình độ sau đại học;

- Tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo các chương trình giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 đạt trên 30%, nhóm dân tộc có chất lượng nguồn nhân lực thấp đạt tối thiểu 25%; phấn đấu năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50% và trên 45%.

c) Nâng cao kiến thức xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng lao động và thông tin thị trường:

- Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, có khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh người dân tộc thiểu số;

- Đến năm 2020, phấn đấu có 50%, năm 2030 đạt 70% số lao động người dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi được cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo:

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ