ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/KH-UBND
|
Lạng Sơn, ngày 23
tháng 3 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2024 ĐỀ ÁN DẠY VÀ HỌC NGOẠI NGỮ TRONG
HỆ THỐNG GIÁO DỤC QUỐC DÂN GIAI ĐOẠN 2017 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
I. CĂN CỨ
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH
Quyết định số 2080/QĐ-TTg ngày
22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học
ngoại ngữ trong hệ thống quốc dân giai đoạn 2017 - 2025;
Thông tư số 51/2018/TT-BTC ngày
23/5/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực
hiện Quyết định số 2080/QĐ- TTg ngày 22/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục
quốc dân giai đoạn 2017 - 2025;
Công văn số 259/BGDĐT-ĐANN ngày
18/01/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đề xuất Kế hoạch triển khai Đề án
ngoại ngữ Quốc gia năm 2024 tại đơn vị.
II. MỤC TIÊU
Tăng cường đổi mới căn bản việc
dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; tiếp tục triển khai
chương trình dạy và học ngoại ngữ theo quy định tại Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
chương trình giáo dục phổ thông (chương trình giáo dục phổ thông 2018) ở các cấp
học; nâng cao trình độ đào tạo, năng lực sử dụng ngoại ngữ, đáp ứng nhu cầu học
tập, làm việc, giao tiếp, hội nhập; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn
nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần vào công cuộc xây dựng và
phát triển tỉnh Lạng Sơn và đất nước; tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục
phổ thông vào năm 2025.
III. NHIỆM VỤ
1. Triển
khai chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, học liệu
1.1. Triển khai chương
trình dạy và học ngoại ngữ bậc mầm non
Tăng cường công tác tuyên truyền,
phổ biến tầm quan trọng của việc học tiếng Anh, vận động phụ huynh cho trẻ làm
quen với tiếng Anh. Rà soát điều kiện tổ chức thực hiện chương trình trẻ mẫu
giáo làm quen với tiếng Anh; tiếp tục triển khai chương trình tại những khu vực
thuận lợi, đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT
ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình làm
quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo và trên tinh thần tự nguyện của gia
đình trẻ. Duy trì khoảng 50 cơ sở giáo dục mầm non, với 320 lớp và khoảng 7.000
trẻ theo học tiếng Anh.
1.2. Đối với giáo dục phổ
thông
Chỉ đạo việc triển khai dạy học
ngoại ngữ ở các cấp học đáp ứng yêu cầu về năng lực, phẩm chất cho học sinh; đa
dạng các hoạt động dạy học ngoại ngữ ở các trường phổ thông, cụ thể như sau:
- Cấp tiểu học dạy các chương
trình tiếng Anh:
+ Tiếp tục triển khai, tổ chức
dạy học Tiếng Anh tự chọn lớp 1 và lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông
2018 đối với các trường đáp ứng đủ điều kiện dạy và học.
+ Tiếng Anh lớp 3, 4, 5 theo
chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại 249/249 trường có cấp tiểu học với khoảng
44.000 học sinh (tỉ lệ 100%).
- Cấp trung học cơ sở: Năm học
2023-2024 dạy học tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với
khối lớp 6,7,8 ở 224/224 trường có cấp trung học cơ sở, với 38.800 học sinh; đến
năm học 2024 - 2025, triển khai dạy tiếng Anh ở toàn cấp trung học cơ sở theo
chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại 224/224 trường có cấp trung học cơ sở
với khoảng 50.500 học sinh (tỉ lệ 100%).
- Cấp trung học phổ thông: Năm
học 2023-2024 dạy các chương trình tiếng Anh triển khai dạy tiếng Anh theo
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10, 11 ở 37/37 trường,
khoảng 15.700 học sinh; đến năm học 2024-2025, triển khai toàn cấp trung học phổ
thông với 23.100 học sinh (tỉ lệ 100%).
- Tổ chức học tiếng Trung Quốc
cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông:
+ Trường trung học phổ thông
chuyên Chu Văn An tiếp tục duy trì các lớp chuyên tiếng Trung Quốc; tổ chức dạy
học tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ 1 đối với các trường trung học phổ thông: Việt
Bắc, Hoàng Văn Thụ, Đồng Đăng, Lộc Bình.
+ Ngoại ngữ 2 là tiếng Trung Quốc:
khuyến khích các phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố tổ chức dạy tại các
trường có cấp trung học cơ sở, nhất là các trường ở địa bàn biên giới.
1.3. Giáo dục nghề nghiệp
- Triển khai các chương trình
đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn, đảm bảo yêu cầu
về chuẩn đầu ra sinh viên:
+ Triển khai chương trình tiếng
Anh cho học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, cao đẳng không thuộc chuyên
ngành ngoại ngữ với 400 sinh viên (tỉ lệ 100%).
+ Triển khai chương trình đào tạo
trình độ cao đẳng chuyên ngành tiếng Trung Quốc cho hơn 600 sinh viên và ngành
tiếng Anh cho khoảng 80 sinh viên.
- Khuyến khích học viên học
chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tham gia học tiếng
Anh, tiếng Trung Quốc, phấn đấu 30% học viên lớp 10, 11 tại các trung tâm Giáo
dục thường xuyên, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên lựa chọn
học 01 (một) môn Ngoại ngữ1.
2. Kiểm
tra, đánh giá trong dạy học ngoại ngữ
- Đổi mới kiểm tra, đánh giá về
ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông theo định hướng đổi mới của Bộ Giáo dục và
Đào tạo; triển khai, bổ sung ngân hàng câu hỏi về kiểm tra đánh giá thường
xuyên, định kỳ.
- Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
chuyên trách về ngoại ngữ và khảo thí ngoại ngữ; tăng cường tập huấn cho giáo
viên về công tác kiểm tra, đánh giá.
- Hợp tác với các cơ sở tổ chức
thi đánh giá năng lực ngoại ngữ độc lập trong tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực
giáo viên theo hướng tiếp cận chuẩn quốc tế.
- Áp dụng kiểm tra đánh giá
năng lực ngoại ngữ của giáo viên, học sinh trên máy tính và trực tuyến khi đáp ứng
yêu cầu về điều kiện cơ sở vật chất.
3. Phát triển
đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức
3.1. Phát triển đội ngũ
giáo viên, giảng viên dạy ngoại ngữ
- Thường xuyên bồi dưỡng công
tác chuyên môn, nghiệp vụ để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy
ngoại ngữ ở các cấp học2.
- Tuyển dụng, bố trí giáo viên,
giảng viên ngoại ngữ bảo đảm số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu công việc, vị
trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để triển khai dạy học ngoại ngữ
theo các cấp học và trình độ đào tạo, bảo đảm phù hợp với các quy định hiện
hành.
- Bố trí giáo viên ngoại ngữ
chưa đạt chuẩn năng lực, hạn chế về chuyên môn vào những vị trí việc làm phù hợp
năng lực.
- Bồi dưỡng các chương trình
cho giảng viên, giáo viên tiếng Anh, cụ thể:
+ Bồi dưỡng nâng cao năng lực
sư phạm cho 250 giáo viên tiếng Anh phổ thông (theo kinh phí của Đề án Ngoại ngữ
Quốc gia).
+ Triển khai bồi dưỡng theo
kinh phí Đề án ngoại ngữ của tỉnh 100% giáo viên các cấp học về phương pháp dạy
ngoại ngữ, đổi mới kiểm tra, đánh giá, chuyển đổi số, kỹ năng tạo môi trường sử
dụng ngoại ngữ… phù hợp với điều kiện địa phương.
+ Bồi dưỡng các module môn tiếng
Anh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho 100% giáo viên tiếng Anh.
+ Khuyến khích giáo viên trung
học phổ thông, giảng viên tiếng Anh tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo
nâng cao trình độ.
3.2. Bồi dưỡng năng lực
ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức (không bao gồm đội ngũ giáo viên, giảng
viên ngoại ngữ)
Tuyên truyền vận động, thực hiện
khảo sát nhu cầu học tập ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa
bàn tỉnh. Tổ chức các lớp học ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu của người dân tại các
trung tâm Ngoại ngữ - Tin học, trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục nghề
nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Phát huy vai trò của Trung tâm
Giáo dục thường xuyên, Tin học và Ngoại ngữ tỉnh trong công tác huy động, bồi
dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia học tập ngoại ngữ.
4. Điều kiện
dạy và học ngoại ngữ
Tăng cường ứng dụng công nghệ
thông tin, chuyển đổi số và các điều kiện bổ trợ dạy học ngoại ngữ nhằm nâng
cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, cụ thể:
- Xây dựng, khai thác hệ thống
học liệu trực tuyến mở về ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông3; khai thác hiệu quả các bài giảng trên truyền hình; tập huấn
giáo viên về khả năng truy cập, khai thác nguồn học liệu mở một cách hiệu quả.
- Tăng cường trang thiết bị cần
thiết đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong dạy và học ngoại ngữ, ưu tiên
các khu vực khó khăn, đặc biệt khó khăn.
- Bồi dưỡng năng lực ứng dụng
công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị, kỹ năng dạy học trực tuyến trong dạy và
học ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên ngoại ngữ; ưu tiên việc bồi dưỡng đối với
giảng viên sư phạm ngoại ngữ, giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên tại
các khu vực khó khăn.
5. Xây dựng
môi trường dạy và học ngoại ngữ, kiểm tra giám sát và các hoạt động khác
5.1. Xây dựng môi trường học
và sử dụng ngoại ngữ
- Xây dựng môi trường dạy học
ngoại ngữ, ưu tiên các hoạt động theo định hướng nghề nghiệp, phục vụ nhu cầu
công việc và hỗ trợ kết nối việc làm. Tăng cường tổ chức các hoạt động trải
nghiệm, sáng tạo về ngoại ngữ; thành lập, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ
ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục4.
- Phát động các phong trào học
và sử dụng ngoại ngữ bằng nhiều hình thức; xây dựng các chương trình ngoại ngữ,
các hoạt động sử dụng ngoại ngữ, dạy ngoại ngữ trên các phương tiện thông tin,
truyền thông đại chúng, dạy học trực tuyến, tạo cơ hội tiếp cận ngoại ngữ cho
nhiều đối tượng khác nhau5.
5.2. Nâng cao hiệu quả quản
lý, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Đề án ngoại
ngữ
- Bồi dưỡng cán bộ quản lý về
xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai Đề án ngoại ngữ và kiểm tra, giám sát,
đánh giá thực hiện Đề án.
- Thực hiện nghiêm túc chế độ
thông tin, báo cáo về kết quả thực hiện Đề án ngoại ngữ.
- Thực hiện công tác kiểm tra,
đánh giá các đơn vị triển khai thực hiện Đề án dạy học ngoại ngữ trên địa bàn.
Kiểm tra việc dạy học ngoại ngữ tại các đơn vị trường học, các trung tâm ngoại
ngữ - tin học; kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm ngoại ngữ.
5.3. Đẩy mạnh công tác
truyền thông
Tăng cường công tác truyền
thông, hợp tác quốc tế, xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ trong hệ thống
giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh. Các cấp, các ngành liên quan đẩy mạnh công
tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức; nâng cao nhận thức xã hội về lợi ích của
việc dạy và học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu hội nhập; thu hút sự quan tâm, đóng
góp, tạo sự đồng thuận của cộng đồng cho công tác dạy và học ngoại ngữ.
5.4. Hợp tác quốc tế
- Khuyến khích các cơ sở giáo dục
mở rộng, đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các cá nhân, tổ chức quốc tế phù
hợp với điều kiện dạy và học ngoại ngữ của tỉnh.
- Tuyên truyền, triển khai giáo
viên tham dự các buổi tọa đàm, diễn đàn trao đổi, thảo luận với các chuyên gia
trong nước và quốc tế về nâng cao chất lượng công tác dạy và học ngoại ngữ do Bộ
Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Mời các chuyên gia trong nước và quốc tế bồi dưỡng
cho giáo viên ngoại ngữ tại tỉnh.
5.5. Đẩy mạnh xã hội hóa
trong dạy và học ngoại ngữ
- Tăng cường công tác xã hội
hóa trong dạy học ngoại ngữ, tạo sự đồng thuận, phối hợp, huy động nguồn lực của
hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối cho công tác dạy
học ngoại ngữ.
- Tạo điều kiện cho các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước hợp tác, đầu tư, cung cấp các dịch vụ dạy và học
ngoại ngữ, đặc biệt là các chương trình dạy và học ngoại ngữ theo hướng ứng dụng
công nghệ thông tin.
- Khuyến khích và phát huy cơ
chế tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong việc nâng cao chất lượng dạy
và học ngoại ngữ.
- Phát huy vai trò của các
trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn trong việc dạy và học ngoại ngữ theo nhu cầu;
tăng cường kiểm soát chất lượng dạy học của các trung tâm ngoại ngữ.
IV. KINH PHÍ
1. Dự kiến kinh phí
Tổng dự kiến kinh phí năm 2024
là 24.580.000.000 đồng (Hai mươi tư tỉ năm trăm tám mươi triệu đồng), trong
đó:
- Kinh phí chương trình, sách
giáo khoa, tài liệu dạy, học liệu: 11.790.000.000 đồng (Mười một tỉ bảy trăm
chín mươi triệu đồng).
- Kinh phí công tác kiểm tra,
đánh giá: 90.000.000 đồng (Chín mươi triệu đồng).
- Kinh phí phát triển đội ngũ
giáo viên, giảng viên, cán bộ, công chức, viên chức: 2.500.000.000 đồng (Hai
tỉ năm trăm triệu đồng).
- Kinh phí điều kiện dạy và học
ngoại ngữ: 10.000.000.000 đồng (Mười tỉ đồng).
- Kinh phí xây dựng môi trường
dạy và học ngoại ngữ, kiểm tra giám sát: 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng).
2. Dự kiến nguồn kinh phí
- Nguồn kinh phí dự kiến đề nghị
cấp từ Trung ương: 2.500.000.000 đồng (Hai tỉ năm trăm triệu đồng).
- Nguồn kinh phí dự kiến của địa
phương: 10.530.000.000 đồng (Mười tỉ năm trăm ba mươi triệu đồng).
- Nguồn thu dự kiến từ các cơ sở
giáo dục, nguồn tài trợ của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, nguồn xã hội
hóa khác: 11.550.000.000 đồng (Mười một tỉ năm trăm năm mươi triệu đồng).
(Chi tiết tại các phụ lục
kèm theo Kế hoạch này).
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
Là cơ quan thường trực thực hiện
Kế hoạch, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan
xây dựng kế hoạch chi tiết để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Kiểm tra,
giám sát, sơ kết, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch; báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.
2. Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội
Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào
tạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện Kế hoạch trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
phù hợp với kế hoạch chung.
3. Sở Tài chính
Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí
kinh phí theo phân cấp ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định của pháp
luật về ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục
và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát nhu cầu tuyển dụng
giáo viên ngoại ngữ đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục và đào
tạo; tham mưu, trình ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức.
5. Sở Thông tin và Truyền
thông
Tăng cường chỉ đạo công tác
tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về các chương trình, đề án, kế hoạch
đổi mới công tác dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân trên địa
bàn tỉnh. Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nền tảng học,
thi trực tuyến môn ngoại ngữ.
6. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố
Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo,
các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện Kế hoạch; kiểm tra, giám sát, sơ kết,
tổng kết đánh giá kết quả thực hiện của địa phương, định kỳ báo cáo cơ quan thường
trực.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục
và Đào tạo, các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo triển khai thực hiện Kế hoạch
trên địa bàn bảo đảm đồng bộ, phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu
các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (b/c);
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở: GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TC, NV, TT&TT;
- UBND các huyện/TP;
- C, PVP UBND tỉnh,
các phòng CM, Trung tâm Thông tin;
- Lưu: VT, KGVX(NTH).
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Xuân Huyên
|
1 Trong năm học
2022-2023, học viên lớp 10 của các Trung tâm GDNN-GDTX: Bình Gia, Cao Lộc, Văn
Lãng, Văn Quan đăng ký lựa chọn học môn Tiếng Anh (chiếm khoảng 24% tổng số học
viên khối lớp 10 của khối GDTX)
2 Trong năm học
2022-2023: có 75,6% số giáo viên dạy tiếng Anh cấp tiểu học, 92,1% giáo viên dạy
tiếng Anh cấp THCS đạt năng lực bậc 4 trở lên; 41,9% giáo viên dạy tiếng Anh cấp
THPT, trường cao đẳng đạt bậc 5 trở lên.
3 Kho bài giảng điện
tử của Bộ GDĐT tại địa chỉ: https://elearning.moet.edu.vn/, cổng thông tin điện
tử ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn tại địa chỉ: https://langson.edu.vn/
4 Tham khảo Bộ sổ
tay hướng dẫn xây dựng và phát triển môi trường học và sử dụng ngoại ngữ tại đường
link: https://drive.google.com/drive/folders/1z8Jb9Gjzet4LNG6Piq-wzBzw9S39_jw_
5 Công văn số
4536/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 04/10/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn
triển khai thực hiện phong trào học tiếng Anh, xây dựng và phát triển môi trường
học và sử dụng ngoại ngữ; Công văn số 1439/BGDĐT-GDCTHSSV ngày 27/4/2020 về việc
tiếp tục đẩy mạnh triẻn khai thực hiện phong trào học tiếng Anh trong các nhà
trường.