Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2023 triển khai chuyên đề Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; tăng số lượng họat động trở lại; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến 2025

Số hiệu 70/KH-UBND
Ngày ban hành 08/03/2023
Ngày có hiệu lực 08/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Bùi Văn Khắng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Quảng Ninh, ngày 08 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHUYÊN ĐỀ TĂNG NHANH SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP; GIẢM TỶ LỆ DOANH NGHIỆP GIẢI THỂ VÀ NGỪNG SẢN XUẤT KINH DOANH; TĂNG SỐ LƯỢNG HOẠT ĐỘNG TRỞ LẠI; ĐẨY MẠNH NĂNG LỰC SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN 2025.

Căn cứ Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Số 300/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 318/KHĐT-ĐKKD ngày 07/02/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Triển khai chuyên đề Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; tăng số lượng hoạt động trở lại; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến 2025 với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và ngừng sản xuất kinh doanh; tăng số lượng hoạt động trở lại; đẩy mạnh năng lực sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 có ít nhất 10.000 doanh nghiệp thành lập mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp khu vực tư nhân, mỗi năm có ít nhất 2.000 doanh nghiệp thành lập mới.

- Tỷ lệ doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh hàng năm là dưới 7,5%[1] tổng số doanh nghiệp đăng ký.

- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong doanh nghiệp khu vực tư nhân; nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực.

- Các sở, ban, ngành và địa phương nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò của doanh nghiệp trong nền kinh tế. Đưa việc phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm trong công việc của cơ quan, đơn vị. Đảm bảo phối hợp triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

- Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng và minh bạch; Đảm bảo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh.

1.1 Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan:

Tập trung hoàn thành các mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đã đề ra tại Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Chương trình hành động số 131/CTr-UBND ngày 02/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (sau đây viết tắt là Chương trình hành động số 131/CTr-UBND ngày 02/7/2021); Triển khai thực hiện Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 19/01/2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (sau đây viết tắt là Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 19/01/2022); Chương trình hành động số 122/CTr-UBND ngày 19/01/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (sau đây viết tắt là Chương trình hành động số 122/CTr-UBND ngày 19/01/2023).

Rà soát Cổng thông tin điện tử, các trang mạng xã hội và các kênh thông tin khác để cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường...; Nghiên cứu số hóa và công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực dưới nhiều hình thức khác nhau theo cách thức đơn giản, dễ hiểu, dễ tiếp cận cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể theo các chuyên đề; đa dạng hình thức tổ chức giải quyết các vướng mắc khó khăn; Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể chuyển sang mô hình doanh nghiệp; Phát huy hiệu quả các Tổ công tác về hỗ trợ đầu tư Investor Care, Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp, Tổ hỗ trợ đầu tư một số dự án trọng điểm... đã thành lập.

Quán triệt đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về đạo đức công vụ, chống quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ; xây dựng nền công vụ hiện đại, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ.

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp điều kiện kinh doanh; cải thiện các chỉ số thành phần thuộc chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm nâng cao tính công khai minh bạch, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

1.2. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư:

Đầu mối phối hợp với các sở, ban, ngành và các địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh các giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI);

Chủ trì tham mưu hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương DDCI Quảng Ninh (hàng năm) đảm bảo toàn diện, khách quan phản ánh đầy đủ, đa chiều.

Phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong việc khảo sát, đánh giá việc cải thiện các chỉ số thành phần năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cấp sở, ngành, địa phương (DDCI)

1.3. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh:

Tăng cường tuyên truyền về hoạt động cải cách thủ tục hành chính, hoạt động giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, số hóa hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán phí, lệ phí trực tuyến, áp dụng biên lai, hóa đơn điện tử thu phí, lệ phí, dịch vụ bưu chính công ích...; chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời việc công khai, niêm yết sau khi có Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính của cấp có thẩm quyền thông qua nhiều hình thức: trực tiếp tại trụ sở làm việc, trên Kiosk tra cứu thông tin, Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng thông tin điện tử thành phần và Cổng Zalo của Trung tâm các nội dung về thành phần hồ sơ, trình tự và thời gian giải quyết, các khoản phí, lệ phí, cơ sở pháp lý...; tích hợp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên Cổng dịch vụ công quốc gia để nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu thông tin, hoàn thiện hồ sơ trước khi đến giao dịch.

Thường xuyên chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, ý thức, trách nhiệm, tuân thủ các quy định, quy trình trong tiếp nhận và giải quyết TTHC của cán bộ, xây dựng văn hóa đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp; tăng cường hoạt động kiểm tra, theo dõi, giám sát việc thực hiện của cán bộ làm việc tại Trung tâm và các sở, ngành, địa phương; Thực hiện tiếp nhận, giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây bức xúc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

[...]