Kế hoạch 70/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 70/KH-UBND
Ngày ban hành 27/04/2022
Ngày có hiệu lực 27/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Hoàng Việt Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/KH-UBND

Tuyên Quang, ngày 27 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Quyết định số 1090/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030;

Thực hiện Kết luận số 384-KL/TU ngày 07/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại kỳ họp thứ 19, nhiệm kỳ kỳ 2020 - 2025.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tổ chức quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát huy hiệu quả các tiềm lực sẵn có của tỉnh, tính chủ động, sáng tạo, phối hợp của các cơ quan, đơn vị, địa phương để đảm bảo hoàn thiện các mục tiêu kế hoạch đề ra.

- Việc triển khai thực hiện Chiến lược phải gắn với việc tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về vai trò của văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ nay đến năm 2030.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa và chênh lệch vùng miền; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc ít người.

- Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Tập trung xây dựng, phát triển văn hóa gắn với thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh theo Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

- Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế của tỉnh: Du lịch văn hóa, lịch sử; quảng cáo; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm,...

- Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Tuyên Quang trong thời kỳ mới.

2. Một số mục tiêu chủ yếu

2.1. Đến năm 2025

- Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình thiết chế văn hóa cấp tỉnh, như: Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Tân Trào - ATK, Thư viện, Quảng trường Nguyễn Tất Thành.

- 7/7 Trung tâm Văn hóa - Truyền thông và Thể thao huyện, thành phố duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động, trong đó phấn đấu có ít nhất 5/7 trung tâm được đầu tư, nâng cấp đảm bảo đạt chuẩn theo quy định, đạt 71,4%.

- 100% đơn vị cấp xã có nhà văn hóa, trong đó phấn đấu trên 80% số nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.

- Phấn đấu trên 95% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả, trong đó có trên 80% nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định.

- 100% đơn vị hành chính cấp xã duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của các đội văn nghệ quần chúng; hằng năm, tổ chức Liên hoan nghệ thuật quần chúng để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

- Bảo đảm trên 95% dân số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương.

- 100% các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng quốc gia được bảo tồn và phát huy giá trị. 100% các di tích quốc gia đặc biệt, các di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các bảo vật quốc gia được thực hiện số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số.

[...]