Kế hoạch 692/KH-UBND năm 2021 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang

Số hiệu 692/KH-UBND
Ngày ban hành 16/11/2021
Ngày có hiệu lực 16/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 692/KH-UBND

An Giang, ngày 16 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TỈNH AN GIANG

Đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ tư với biến chủng Delta đã tác động rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nhiều tỉnh, thành cả nước, trong đó có An Giang. Sau hơn gần 6 tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ khác nhau để tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh, kinh tế tỉnh An Giang tăng trưởng rất chậm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 ước chỉ đạt 2,15% thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 là 2,46%).

Trước tình hình đó, việc mở cửa khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh để từng bước phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp bách, nhưng việc mở cửa, phục hồi nền kinh tế cần phải được tính toán kỹ lưỡng, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn, có cách tiếp cận và phương thức phù hợp, nếu không sẽ càng làm tổn hại đến doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế.

Trên cơ sở Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 128/NQ-CP) và tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang, như sau:

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ PHƯƠNG ÁN TIẾP CẬN

1. Căn cứ pháp lý

Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19;

Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV;

Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”;

Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 03/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19;

Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ;

Quyết định số 1811/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Hướng dẫn tạm thời về hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Quyết định số 1812/QĐ-BGTVT ngày 16/10/2021 của Bộ Giao thông vận tải về ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt, hàng không) đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19;

Hướng dẫn số 3862/HD-BVHTTDL ngày 18/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Và các văn bản quy định, hướng dẫn khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương.

2. Phương án tiếp cận

Qua tham khảo, nghiên cứu các tỉnh, thành phố, có nhiều cách tiếp cận để mở cửa phục hồi kinh tế. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, do vậy, Kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang chọn cách tiếp cận dựa vào cấp độ dịch bệnh trên phạm vi của từng địa phương (cấp xã), từng khu vực (dưới cấp xã), đồng thời dựa trên năng lực y tế để quyết định và công bố phạm vi mở cửa các hoạt động kinh tế - xã hội, đảm bảo nguyên tắc “linh hoạt, an toàn, hiệu quả”.

II. QUAN ĐIỂM, NGUYÊN TẮC MỞ CỬA PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Kiên trì với mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” nhưng đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hài hòa, hợp lý giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế - xã hội;

2. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với doanh nghiệp/cơ sở sản xuất, kinh doanh theo các phương châm “An toàn tới đâu thì mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn”, “Chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”, “Lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ”, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.

3. Tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt vì mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất cho các hoạt động kinh tế theo lộ trình từng bước với các giải pháp phù hợp, hiệu quả tương ứng với từng cấp độ rủi ro, an toàn với dịch COVID-19;

4. Tùy theo tình hình kiểm soát và cấp độ nguy cơ của dịch bệnh của từng địa bàn, từng khu vực mà mở cửa các hoạt động kinh tế tương ứng, đảm bảo tính linh hoạt, an toàn, sáng tạo, chắc chắn, không nóng vội cũng không cầu toàn, luôn luôn bám sát tình hình dịch bệnh và đặc điểm của từng địa bàn, từng thời điểm để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện.

III. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Thúc đẩy phục hồi các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân; vừa duy trì hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ổn định góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội;

- Không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa, nhất là hàng hóa phục vụ cho nhu cầu đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân, nguồn nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động đầu tư xây dựng công trình;

- Hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, triệt để các khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa số dự án, số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ngưng hoạt động, giải thể hoặc phá sản do tác động của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

[...]