Kế hoạch 6898/KH-UBND năm 2023 cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2024

Số hiệu 6898/KH-UBND
Ngày ban hành 29/12/2023
Ngày có hiệu lực 29/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Võ Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6898/KH-UBND

Bình Dương, ngày 29 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TỈNH BÌNH DƯƠNG NĂM 2024

Căn cứ Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 3109/QĐ-UBND ngày 30/12/2021);

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2024 với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Triển khai đồng bộ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ, Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.

b) Nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả thực hiện công tác cải cách hành chính của tỉnh nói chung và của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh nói riêng.

c) Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số của tỉnh Bình Dương.

2. Yêu cầu

a) Phát huy vai trò chỉ đạo điều hành của người đứng đầu về công tác cải cách hành chính, đảm bảo đạt được những kết quả cụ thể; đổi mới tư duy và hành động sáng tạo trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan, nhằm nâng cao mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan trên địa bàn tỉnh.

b) Cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về công tác cải cách hành chính, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, áp dụng nhũng giải pháp mới để công tác cải cách hành chính trở thành khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý của tỉnh.

c) Xác định rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.

d) Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 được gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính

a) Mục tiêu

- 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung của Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh.

- Tối thiểu 30%/tổng số cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện được kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024. 100% cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch riêng (hoặc lồng ghép) và thực hiện kiểm tra công tác cải cách hành chính đối với các phòng, ban, đơn vị trực thuộc.

- 100% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp huyện, đơn vị hành chính cấp xã được triển khai đánh giá, xác định Chỉ số cải cách hành chính.

- Kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT Index), Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ Chỉ số 766) năm 2023 tiếp tục cải thiện hơn so với kết quả đánh giá năm 2022.

b) Nhiệm vụ và giải pháp

- Tổ chức triển khai thực hiện tốt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Dương năm 2024.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh xây dựng Kế hoạch cải cách hành chính năm 2024, trong đó cần cụ thể hóa các nhiệm vụ cải cách hành chính của tỉnh phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương; xác định rõ các mục tiêu, tiến độ hoàn thành, phân công nhiệm vụ thực hiện.

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền cải cách hành chính đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân bằng các hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính; đẩy mạnh kiểm tra đột xuất, tập trung kiểm tra các cơ quan, đơn vị có nhiều thủ tục hành chính giao dịch với người dân và doanh nghiệp; gắn công tác kiểm tra với việc đánh giá, chấm điểm cải cách hành chính đối với cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai thực hiện tốt các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính, gắn với cải thiện và nâng cao các bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản lý nhà nước của tỉnh như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT Index), Bộ Chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử (Bộ Chỉ số 766).

- Gắn kết quả cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng; kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện cải cách hành chính.

[...]