Kế hoạch 685/KH-UBND năm 2017 thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP và Chương trình hành động 20-CTR/TU thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn do tỉnh Đắk Nông ban hành

Số hiệu 685/KH-UBND
Ngày ban hành 14/12/2017
Ngày có hiệu lực 14/12/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Tôn Thị Ngọc Hạnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 685/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 14 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 103/NQ-CP NGÀY 06/10/2017 CỦA CHÍNH PHỦ VÀ CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG SỐ 20-CTR/TU NGÀY 07/8/2017 CỦA TỈNH ỦY VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 08-NQ/TW NGÀY 16/01/2017 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII (gọi tắt là Nghị quyết số 103); Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 07/8/2017 của Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn (gọi tắt là Chương trình số 20); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các chủ trương, định hướng về phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị (gọi tắt là Nghị quyết số 08), Nghị quyết số 103 và nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chương trình số 20, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng, phát triển. Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mang tính đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

2. Yêu cầu

Các nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khả thi, thiết thực, hiệu quả.

II. NỘI DUNG

1. Mục tiêu chung

- Phấn đấu đến năm 2020 đưa ngành du lịch Đắk Nông trở thành ngành kinh tế động lực, là điểm đến hấp dẫn của khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng GDP du lịch, dịch vụ, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu ngân sách; hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển.

- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từng bước kiện toàn cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, tạo ra các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng riêng, đa dạng hóa các loại hình du lịch. Đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa kết hợp du lịch tâm linh, hội nghị, hội thảo, khám phá và các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút khách quốc tế và nội địa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Về lượt khách: Phấn đấu đến năm 2020 đón được 530.000 lượt khách, gồm: 485.300 lượt khách nội địa và 44.700 lượt khách quốc tế. Tăng bình quân hàng năm đạt 18,8%/năm.

- Về doanh thu, thu nhập du lịch: Về doanh thu, tăng 20%/năm. Thu nhập xã hội từ du lịch năm 2020 đạt 880 tỷ đồng, đưa tổng GDP du lịch năm 2020 đạt 528 tỷ đồng, chiếm 3,5% GDP của tỉnh.

- Xây dựng thành công Công viên địa chất núi lửa Krông Nô trở thành Công viên địa chất toàn cầu và tham gia mạng lưới Công viên địa chất quốc gia.

- Tập trung đầu tư phát triển các khu du lịch trọng điểm theo quy hoạch trên địa bàn các địa phương: Cư Jut, Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, thị xã Gia Nghĩa và vùng phụ cận..., đặc biệt là hệ thống hang động núi lửa; phát huy lợi thế của từng địa phương có tim năng du lịch, phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng đ đy nhanh tốc độ phát triển du lịch, nâng cao đời sống nhân dân.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, trước mắt ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng gắn với hồ thủy điện Đồng Nai 3, Đồng Nai 4; sửa chữa nâng cấp hệ thống hạ tầng khu du lịch sinh thái cụm thác Dray Sáp - Gia Long, điểm du lịch sinh thái thác Trinh Nữ, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô...

- Phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, thủ công, mỹ nghệ, dịch vụ vui chơi giải trí... gắn với các điểm, tuyến du lịch. Xây dựng ít nhất 01 mô hình điểm du lịch cộng đồng tại xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

a) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng bằng các việc làm, hành động cụ thể. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch, tuyên truyền về vị trí, vai trò và tác động của ngành du lịch đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện. Tăng cường tuyên truyền về phát triển du lịch với nội dung thiết thực, phù hợp, hình thức đa dạng, phong phú.

- Các Sở, Ban, ngành, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã quán triệt, tuyên truyền các quy định về phát triển du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08, Nghị quyết số 103 và Chương trình hành động số 20 đến cán bộ, công chức, viên chức đơn vị, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch và người dân trên địa bàn.

b) Tập trung lập quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch

- Về lập quy hoạch du lịch: Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch, các khu, điểm du lịch... Tập trung hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 6 khóa III (tháng 7/2018), điều chỉnh Quy hoạch khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung...

- Đầu tư cơ sở hạ tầng xã hội: Tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn xã hội hóa, các nguồn vốn hp pháp khác đầu tư hoàn thiện các tuyến đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và du khách tiếp cận các khu, điểm du lịch của tỉnh, hình thành tuyến du lịch nội vùng và liên tỉnh. Trong đó ưu tiên đầu tư, hoàn thiện các tuyến đường quốc lộ 14C, tuyến đường đi đến cửa khu Bu Prâng và Đắk Per, tuyến đường giao thông đến thác Len Gun...

- Đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch: Tập trung vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương theo hướng ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; trước mắt ưu tiên đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng các cụm du lịch, các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh như: Công viên vui chơi giải trí Liêng Nung, khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Nâm Nung, khu du lịch sinh thái văn hóa Tà Đùng, Công viên địa chất núi lửa Krông Nô...

[...]