Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình 133-CTr/TU về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW do tỉnh Hậu Giang ban hành

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 29/03/2023
Ngày có hiệu lực 29/03/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Trương Cảnh Tuyên
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 29 tháng 3 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỐ 133-CTR/TU NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 2022 CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 10-NQ/TW NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 2017 CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XII

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (sau đây gọi chung là Nghị quyết số 10-NQ/TW);

Thực hiện Chương trình số 133-CTr/TU ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (sau đây gọi chung là Chương trình số 133-CTr/TU); Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 133-CTr/TU, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Phát triển kinh tế tư nhân là một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đóng góp tích cực cho ngân sách tỉnh.

b) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao, cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GRDP của Tỉnh.

c) Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

a) Bám sát các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 133-CTr/TU; thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động về phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới.

b) Việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Chương trình số 133-CTr/TU bảo đảm nghiêm túc, thường xuyên, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương.

c) Thường xuyên theo dõi, giám sát, kiểm tra đôn đốc triển khai thực hiện Chương trình; sơ kết, tổng kết định kỳ báo cáo theo quy định.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu đưa Hậu Giang trở thành Tỉnh khá trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

a) Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2025 có hơn 3.500 doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 6.000 doanh nghiệp hoạt động có kê khai thuế.

b) Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của Tỉnh. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đến năm 2025 đạt 85% (trong đó, kinh tế tập thể 4%, doanh nghiệp 35%, cá thể 46%), đến năm 2030 đạt 87% (trong đó, kinh tế tập thể 7%, doanh nghiệp 45%, cá thể 35%).

c) Năng suất lao động xã hội đến năm 2025 đạt 156 triệu đồng/người/năm, tăng 9,7%/năm; đến năm 2030 đạt 263 triệu đồng/người/năm, tăng 10,9%/năm.

d) Giai đoạn 2021 - 2025 tạo việc làm cho 75.000 lao động (bình quân mỗi năm tạo thêm 15.000 lao động, trong đó kinh tế tư nhân chiếm 90%). Giai đoạn 2026 - 2030 tạo việc làm cho 80.000 lao động (bình quân mỗi năm tạo thêm 16.000 lao động, trong đó kinh tế tư nhân chiếm 92%).

đ) Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; thực hiện các mục tiêu, giải pháp tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Chương trình 133-CTr/TU ngày 10 tháng 10 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:

1. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ

- Tập trung rà soát, triển khai các công trình giao thông trọng điểm để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương tiện của hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhất là hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận, tận dụng hiệu quả các lợi ích từ hạ tầng giao thông mang lại, góp phần thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ, hạ tầng giao thông các tuyến đường liên vùng, các tuyến đường tỉnh, đường huyện và liên xã; phát triển đồng bộ giữa hai phương thức vận tải là giao thông đường bộ và giao thông đường thủy, có tính liên kết cao để hỗ trợ và phát triển, cụ thể tập trung vào các nhiệm vụ sau:

a) Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải trong công tác đầu tư dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang); tập trung mọi nguồn lực triển khai hoàn thành Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án đường bộ cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong giai đoạn 2026 - 2030.

[...]