Kế hoạch 68/KH-UBND năm 2015 thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 68/KH-UBND
Ngày ban hành 10/08/2015
Ngày có hiệu lực 10/08/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Đồng Văn Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 10 tháng 08 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT HUY GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH VÀ HỖ TRỢ XÂY DỰNG GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC, BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Căn cứ Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1092/QĐ-BVHTTDL ngày 11 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện các đề án, chương trình thuộc Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2015 của UBND tỉnh về thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình (giữa vợ và chồng; giữa cha mẹ và con cái; giữa người cao tuổi và con cháu) và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Mục tiêu 1: phát huy giá trị tốt đẹp mối quan hệ giữa vợ và chồng:

- Chỉ tiêu 1: phấn đấu đến năm 2020, các cuộc hôn nhân đều có đăng ký kết hôn theo đúng quy định pháp luật; có 95% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức cơ bản về hôn nhân - gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình.

- Chỉ tiêu 2: hàng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực giữa vợ và chồng; giảm 15% (khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm 10%) người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định.

2.2. Mục tiêu 2: phát huy giá trị tốt đẹp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái:

- Chỉ tiêu 1: đến năm 2020 có 75% cha hoặc mẹ có trẻ em dưới 6 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng về nuôi dạy, chăm sóc con cái; phấn đấu có 95% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, nuôi dạy trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần.

- Chỉ tiêu 2: hàng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực với trẻ em.

2.3. Mục tiêu 3: phát huy giá trị tốt đẹp mối quan hệ giữa người cao tuổi và con cháu trưởng thành:

- Chỉ tiêu 1: đến năm 2020 có 80% hộ gia đình có người cao tuổi được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật đối với người cao tuổi; phấn đấu có khoảng 95% hộ gia đình thực hiện việc chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi.

- Chỉ tiêu 2: hàng năm, trung bình giảm từ 10 - 15% hộ gia đình có bạo lực với người cao tuổi.

2.4. Mục tiêu 4: hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững:

- Chỉ tiêu 1: đến năm 2020 có 85% (khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có 70% trở lên) hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; phấn đấu có 95% hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật và phúc lợi xã hội; chỉ đạo tổ chức triển khai thí điểm mô hình liên quan tới xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển bền vững;

- Chỉ tiêu 2: xây dựng và điều hành chuyên trang thông tin tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử tỉnh về tư vấn hôn nhân và gia đình, cung cấp thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các thành viên gia đình về xây dựng gia đình hạnh phúc.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Đẩy mạnh truyền thông vận động nâng cao nhận thức của xã hội và các thành viên gia đình về tầm quan trọng của gia đình và giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình:

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về tầm quan trọng, vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; về chủ trương chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình.

- Đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, chú trọng vào đối tượng nam giới.

- Nêu gương người tốt, việc tốt; phê phán những biểu hiện không đúng trong việc xây dựng gia đình Việt Nam, những phong tục ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả tiêu cực về mất cân bằng giới tính khi sinh đối với gia đình và xã hội.

- Chú trọng ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động vào gia đình; đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, cung cấp kiến thức cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; xây dựng các sản phẩm văn hóa lành mạnh, tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình, các điển hình tiên tiến trong lĩnh vực gia đình nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.

2. Tăng cường công tác quản lý, lãnh đạo và năng lực của đội ngũ cán bộ thực hiện Đề án:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với việc thực hiện các mục tiêu của Đề án.

[...]