Kế hoạch 67/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 67/KH-UBND
Ngày ban hành 12/06/2015
Ngày có hiệu lực 12/06/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Dung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 12 tháng 06 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 92/NQ-CP NGÀY 08/12/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Căn cứ Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013 - 2030; trên cơ sở tình hình phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Quán triệt nội dung của Nghị quyết, thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ.

2. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung tại Nghị quyết 92/NQ-CP và Kế hoạch hành động của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tạo bước chuyển biến đột phá từ nhận thức đến hành động trong phát triển du lịch; đầu tư cho du lịch để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển; phát triển du lịch gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc, văn hóa Huế; đồng thời, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

3. Xây dựng và phát triển du lịch Thừa Thiên Huế là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn với các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo, chất lượng cao có sức cạnh tranh cao, gắn với từng thị trường cụ thể; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế trở thành điểm du lịch nổi trội trong khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030 xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa khu vực ASEAN.

4. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức đối với các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò du lịch trong phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa di sản, tạo việc làm; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường du lịch, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách.

5. Khai thác và phát huy tối đa các nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, đặc biệt chú trọng phát huy các giá trị văn hóa Huế, các di tích lịch sử, bảo tàng để thúc đẩy phát triển đột phá ngành du lịch. Tiếp tục có các chính sách, cơ chế mới để huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và đầu tư phát triển du lịch.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Tập trung thực hiện 05 nội dung chính theo tinh thần của Nghị quyết:

1. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch:

- Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch đến đội ngũ lao động trong ngành du lịch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân.

- Xây dựng và triển khai công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức, vận động đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện nếp sống văn minh; tự giác và tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá về nghề du lịch, hiệu quả vai trò của ngành du lịch, các danh hiệu “Huế, Việt Nam - Thành phố văn hóa ASEAN”, thành phố bền vững môi trường ASEAN, “Huế - Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam” để người dân tự hào và đồng hành cùng chính quyền địa phương, và ngành du lịch tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch của tỉnh theo hướng “mỗi người dân là mỗi hướng dẫn viên du lịch”.

- Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; phát động phong trào phòng chống tội phạm, phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia... cho nguồn lao động đang trực tiếp phục vụ khách du lịch, các chủ doanh nghiệp du lịch cũng như cộng đồng dân cư tại địa phương.

2. Tăng cường đầu tư hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch

- Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó ưu tiên các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu du lịch và các điểm du lịch quốc gia.

- Tiếp tục rà soát, đôn đốc và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch; kiên quyết thu hồi những dự án chậm triển khai không đúng theo tiến độ cam kết.

- Hỗ trợ quỹ đất, xây dựng quy hoạch vị trí và mặt bằng về các khu ẩm thực và bán hàng lưu niệm cho khách du lịch.

- Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, chú trọng vui chơi giải trí về đêm.

- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đường sông.

- Huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng: Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương kết hợp với địa phương tiếp tục đầu tư và hoàn thiện các công trình hỗ trợ cho phát triển du lịch như: Hoàn thiện tuyến đường Điện Biên Phủ, đường vào các lăng: Minh Mạng, Gia Long; đường hầm đèo Phước Tượng và Phú Gia nối hai trung tâm du lịch lớn Huế - Đà Nẵng; nâng cấp cầu cảng số 01 Chân Mây để phục vụ đón các tàu du lịch lớn; xây dựng các bến thuyền khai thác tour đầm phá, đường dẫn vào bến thuyền, trong đó xây dựng các bến thuyền Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền), bến Đầm Chuồn, bến Hà Úc (Phú Vang),... phục vụ phát triển du lịch vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Triển khai bảo tồn tu bổ các di tích thuộc Hoàng Thành và chỉnh trang Thượng thành, các di tích lịch sử cách mạng, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ xúc tiến du lịch và trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường tiềm năng.

- Thành lập Quỹ xúc tiến phát triển du lịch để khai thác các nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong xã hội nhằm phục vụ trong công tác xúc tiến du lịch.

- Xây dựng, triển khai chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

3. Đảm bảo môi trường du lịch thuận lợi, an ninh, an toàn, để thu hút khách du lịch:

[...]