Kế hoạch 39/KH-UBND năm 2015 thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Cà Mau ban hành

Số hiệu 39/KH-UBND
Ngày ban hành 08/07/2015
Ngày có hiệu lực 08/07/2015
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Trần Hồng Quân
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-UBND

Cà Mau, ngày 08 tháng 07 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 92/NQ-CP NGÀY 08/12/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

Thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các nội dung Nghị quyết nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.

- Tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 theo chiều sâu, từng bước hoàn thiện các dịch vụ, tiến đến khẳng định thương hiệu du lịch Cà Mau trong cả nước và khu vực.

- Tằng cường công tác thực hiện Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về cải thiện môi trường văn hóa du lịch.

Phấn đấu đưa du lịch thực sự là một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ du lịch đồng bộ; tạo môi trường du lịch văn minh, thân thiện; tạo môi trường thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia, tận dụng các lợi thế có sẵn để thúc đẩy phát triển du lịch. Phấn đấu, tỉnh Cà Mau trở thành một trong những địa chỉ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với vui chơi và giải trí đặc thù của khu vực và cả nước.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phải được xây dựng phù hợp yêu cầu thực tiễn tại địa phương và đảm bảo tính khả thi.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp du lịch, nhằm tạo điều kiện thuận lợi huy động toàn xã hội tham gia phát triển du lịch, đưa du lịch Cà Mau phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ mới.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch

- Sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.

- Tuyên truyền, phổ biến có hiệu quả các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, an toàn du khách và vệ sinh môi trường đến cộng đồng dân cư và các cơ sở kinh doanh du lịch tại địa phương, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, thân thiện với khách du lịch và tôn trọng pháp luật.

2. Tăng cường hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển du lịch

- Hàng năm, ưu tiên đầu tư để phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi.

- Xây dựng, hoàn thiện cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư, đảm bảo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào một số khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, tạo động lực cho ngành du lịch phát triển, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

- Chủ động bố trí ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các điểm du lịch địa phương; nâng cấp, đầu tư các điểm do Nhà nước quản lý và các hạng mục công trình công ích, hạ tầng kỹ thuật chủ yếu.

- Tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; nghiên cứu lựa chọn sự kiện đặc thù tổ chức thường niên nhằm quảng bá du lịch Cà Mau, đồng thời xây dựng thương hiệu cho du lịch Cà Mau.

3. Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng cường vai trò quản lý nhà nước bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch theo Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 28/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về cải thiện môi trường văn hóa du lịch.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ du lịch được bán đúng giá niêm yết, đúng chất lượng cam kết với khách du lịch.

- Kiên quyết xử lý các cơ sở vi phạm trong việc mạo nhận chất lượng, quảng cáo không đúng chất lượng, nhất là các cơ sở lưu trú, vận chuyển khách du lịch. Thực hiện tốt việc công nhận các khu, điểm du lịch; công nhận các dịch vụ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

- Giải quyết triệt để việc kinh doanh mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, nạn bán hàng rong, ăn xin; không để xảy ra tình trạng “cò mồi” đeo bám, chèo kéo khách, đảm bảo an toàn văn minh đô thị tại các trung tâm.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên du lịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, đội ngũ lao động trong ngành du lịch.

- Tổ chức tốt việc cung cấp thông tin hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch tại các bến tàu, bến xe, nhà ga sân bay, trên các phương tiện tham gia vận chuyển khách đảm bảo an toàn, thuận tiện cho khách tham quan du lịch đến địa phương.

[...]