Kế hoạch 653/KH-UBND năm 2024 triển khai công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới do tỉnh Bắc Kạn ban hành
Số hiệu | 653/KH-UBND |
Ngày ban hành | 27/09/2024 |
Ngày có hiệu lực | 27/09/2024 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bắc Kạn |
Người ký | Phạm Duy Hưng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 653/KH-UBND |
Bắc Kạn, ngày 27 tháng 9 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN MIỆNG TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Thực hiện Kế hoạch số 262-KH/TU ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XIII) về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới với những nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Phổ biến, quán triệt, triển khai sâu rộng nội dung Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ban Bí thư (khóa XIII) về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới (sau đây gọi tắt là Chỉ thị số 30-CT/TW) và Kế hoạch số 262-KH/TU ngày 07 tháng 8 năm 2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Ban Bí thư (sau đây gọi tắt là Kế hoạch số 262-KH/TU) đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh.
2. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới.
3. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền miệng phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các đơn vị, địa phương; thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động và nội dung tuyên truyền miệng để nâng cao hiệu quả triển khai.
4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành và huy động sự tham gia, vào cuộc của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đối với công tác tuyên truyền miệng tại các đơn vị, địa phương.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu đối với công tác tuyên truyền miệng
- Đẩy mạnh việc quán triệt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; xác định công tác tuyên truyền miệng là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động định hướng và phổ biến về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để đảm bảo tính thống nhất trong công tác tham mưu, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời, đề cao vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền miệng của người đứng đầu đơn vị, địa phương.
- Tăng cường công tác đối thoại, trao đổi; thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình chung của ngành, lĩnh vực, xã hội trước những vấn đề dư luận quan tâm để kịp thời định hướng dư luận, cung cấp các thông tin chính thống góp phần ổn định về tư tưởng, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong toàn ngành, lĩnh vực và sự đồng thuận trong xã hội. Qua đó góp phần tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, cấp ủy và chính quyền địa phương.
2. Tiếp tục đổi mới, sáng tạo nội dung và phương thức tuyên truyền miệng
- Thường xuyên đổi mới nội dung gắn với tăng cường tính định hướng, thuyết phục của công tác tuyên truyền miệng. Trong đó, xác định cụ thể nội dung trọng tâm cần tuyên truyền, nhất là các nội dung liên quan đến việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lan tỏa những giá trị đạo đức, nhân văn, liêm chính trong Đảng và trong xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Nghiên cứu, triển khai kết hợp hài hòa giữa việc cung cấp thông tin về tình hình quốc tế, trong nước, trong tỉnh với thực tế của đơn vị, địa phương để đảm bảo hiệu quả triển khai.
- Áp dụng triển khai các phương thức, loại hình tuyên truyền theo hướng đa dạng hóa như: Kết hợp giữa hình thức tuyên truyền trực tiếp với trực tuyến; sử dụng hình thức trực tiếp đối với lĩnh vực, địa bàn phức tạp, nhạy cảm, có tính chất đặc thù; phối hợp giữa tuyên truyền miệng với tuyên truyền trên các trang/cổng thông tin điện tử của đơn vị, địa phương (nếu có); khai thác, tận dụng ưu thế của các nền tảng mạng xã hội (như: Facebook, Zalo, Tiktok...) để triển khai công tác tuyên truyền miệng đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Gắn công tác tuyên truyền với trao đổi, đối thoại, vừa truyền tải trực tiếp những thông tin cần thiết, vừa nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và người dân.
- Đẩy mạnh ứng dụng, phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên với sự kết hợp phương pháp truyền thống (thuyết trình) với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, trình chiếu bằng hình ảnh, videoclip để tăng cường tính hấp dẫn, nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng.
3. Thường xuyên kiện toàn, phát triển nhân lực báo cáo viên và tuyên truyền viên
Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (nếu có); tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật kiến thức, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đối thoại, thông tin hai chiều, kỹ năng nắm bắt dư luận xã hội, kỹ năng tiếp cận, thu thập, xử lý thông tin và kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ... để bồi dưỡng bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn.
4. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng
- Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác tuyên truyền miệng tại đơn vị, địa phương để kịp thời: Phát hiện, nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả; chấn chỉnh những tập thể, cá nhân chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định.
- Định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm kế tiếp đảm bảo sát với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai công tác tuyên truyền miệng để động viên, khích lệ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
- Thực hiện nhiệm vụ đầu mối phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đạt chất lượng, hiệu quả.
- Chủ động hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng, kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền và tổ chức tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền miệng cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở.
- Tổng hợp báo cáo kết quả triển khai của các đơn vị, địa phương theo quy định; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu.