Kế hoạch 6486/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre đến năm 2030

Số hiệu 6486/KH-UBND
Ngày ban hành 29/09/2024
Ngày có hiệu lực 29/09/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Nguyễn Minh Cảnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6486/KH-UBND

Bến Tre, ngày 29 tháng 09 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt và thực hiện tốt các nội dung Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; tuyên truyền và nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân ứng dụng, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

- Thúc đẩy phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên nền tảng đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tiềm năng địa phương góp phần hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

2. Yêu cầu

Thực hiện Kế hoạch phải đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ và chương trình, đề án hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, sự phối hợp của các địa phương, đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch của tỉnh; đảm bảo tính liên kết vùng và phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

- Trong lĩnh vực trồng trọt, 50% phụ phẩm các mặt hàng chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng; trong đó 80% rơm rạ được áp dụng công nghệ được thu gom và tái sử dụng.

- Trong lĩnh vực chăn nuôi, 60% hộ gia đình áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng.

- Trong lĩnh vực thủy sản, 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi trồng thủy sản được xử lý và tái sử dụng.

- Tăng cường ứng dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế tái, sử dụng các phụ phẩm cho các mặt hàng chủ lực.

- 100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm, đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

- 50% Hợp tác xã (HTX) được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.

III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP

1. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật quy trình sản xuất tiên tiến phục vụ nông nghiệp tuần hoàn

- Xây dựng cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về các ứng dụng, giải pháp công nghệ thông tin, công nghệ số gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

- Ưu tiên ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất khép kín theo chuỗi, vật tư đầu vào (giống kháng bệnh, chống chịu; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học; chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh, dinh dưỡng đất, thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản; chế phẩm xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp, tái chế, xử lý phụ phẩm; chế phẩm trong bảo quản chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm…), giảm sử dụng tài nguyên đầu vào, giảm thất thoát sau thu hoạch, tái sử dụng và tái chế chất thải.

- Xây dựng lồng ghép các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trong khuôn khổ triển khai thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ để ưu tiên đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ đối với một số lĩnh vực trọng điểm để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp gồm:

+ Trong lĩnh vực trồng trọt, ứng dụng chuyển giao quy trình sử dụng các chế phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, chế phẩm kích kháng thực vật pheromone, chế phẩm phục hồi độ phì đất, dinh dưỡng đất, chế phẩm bảo quản, chế biến; các quy trình canh tác khép kín bền vững, giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với đặc thù vùng sinh thái và quy mô sản xuất; các công nghệ tái chế phụ phẩm trong sản xuất trồng trọt.

+ Trong lĩnh vực chăn nuôi, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các quy trình công nghệ chăn nuôi tuần hoàn không chất thải, tiết kiệm tài nguyên; các quy trình và công nghệ thu gom xử lý chất thải lỏng chất, thải rắn để hình thành ngành công nghiệp dinh dưỡng hữu cơ cho canh tác cây trồng; ứng dụng các công nghệ tái chế sử dụng phụ phẩm trong ngành chăn nuôi (phân thải, chất độn chuồng) làm năng lượng tái tạo, phân bón.

+ Trong lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn thủy sản, các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung thức ăn thủy sản từ phụ phẩm nông nghiệp, các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi; quy trình công nghệ nuôi tuần hoàn nguồn nước không chất thải; quy trình thu gom, xử lý tái sử dụng nước nuôi khép kín, xử lý bùn thải, nước thải trong nuôi trồng thủy sản.

[...]