Kế hoạch 64/KH-UBND thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 64/KH-UBND
Ngày ban hành 09/02/2022
Ngày có hiệu lực 09/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 64/KH-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2022, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tăng cường trách nhiệm, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về PCTN của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN.

Triển khai đồng bộ, liên tục, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi, vụ việc tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật; tiếp tục đẩy lùi tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong công tác PCTN, góp phần giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.

2. Yêu cầu

Việc thực hiện công tác PCTN phải gắn với thi hành Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành, chương trình công tác năm 2022 của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, trọng tâm là Luật PCTN năm 2018, văn bản hướng dẫn thi hành và những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập, kiểm soát xung đột lợi ích, PCTN khu vực ngoài nhà nước…; lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Xây dựng kế hoạch và tiếp tục thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt tại Kế hoạch số 693/KH-UBND ngày 01/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021 (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 11/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm tiếp tục đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013 - 2014, nhằm thường xuyên giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học viên và sinh viên.

2. Triển khai và thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, các giải pháp về phòng, chống tham nhũng

Triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật, yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy về công tác PCTN, nhất là Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Kế hoạch số 457/KH-UBND ngày 26/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; tích cực đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong cán bộ, công chức, viên chức...

Thực hiện đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công khai, minh bạch trên các lĩnh vực (đặc biệt trong quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm...); kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chế độ, định mức, tiêu chuẩn,... Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, pháp luật về PCTN để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ nhằm mục đích phòng ngừa tham nhũng.

Tăng cường triển khai, thực hiện công tác kiểm soát xung đột lợi ích; tiến hành rà soát và báo cáo kết quả thực hiện, giải quyết xung đột lợi ích trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Tăng cường mối quan hệ, chủ động phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin theo Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Luật PCTN năm 2018.

3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải gương mẫu, liêm khiết; quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn với công tác chống suy thoái của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thực hiện nghiêm túc về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Đây là một trong những tiêu chí để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức, công chức, viên chức cuối năm.

Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm những việc không được làm theo quy định của pháp luật về PCTN và pháp luật liên quan với phương châm "giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu"; đồng thời gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý, nhất là nơi thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước với phương châm “coi trọng công tác phòng ngừa, không để xảy ra sai phạm” và “xử lý nghiêm vi phạm” khi đến mức phải xử lý.

Các cơ quan thanh tra nhà nước tập trung thanh tra các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, dư luận, gây bức xúc trong xã hội; tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực, nhất là quy hoạch, sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư, tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản…; phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc tham nhũng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng và chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

[...]
8
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ