Kế hoạch 635/KH-UBND năm 2022 về phát động Phong trào thi đua “Bắc Kạn đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025”

Số hiệu 635/KH-UBND
Ngày ban hành 10/10/2022
Ngày có hiệu lực 10/10/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nguyễn Đăng Bình
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 635/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 10 tháng 10 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT ĐỘNG PHONG TRÀO THI ĐUA “BẮC KẠN ĐẨY MẠNH CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025”

Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 03/6/2020; Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 03/8/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 528/QĐ-UBND ngày 05/4/2022 của UBND tỉnh về việc ban hành Danh mục các nhiệm vụ, dự án ưu tiên về chuyển đổi số năm 2022; Quyết định số 610/QĐ-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy các tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh phát động Phong trào thi đua “Bắc Kạn đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025” (sau đây gọi tắt là Phong trào thi đua) với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu cụ thể tại Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 940/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm có kết quả xếp hạng trung bình về chuyển đổi số.

Thực hiện biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số của tỉnh; kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các sáng kiến, cách làm hay trong phong trào thi đua chuyển đổi số nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Phong trào thi đua phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt đến tất cả các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp, phát huy được sáng kiến, sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải coi việc thực hiện Phong trào thi đua là nhiệm vụ quan trọng, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải luôn đề cao trách nhiệm, vai trò trong việc chỉ đạo, tổ chức và thực hiện phong trào thi đua thường xuyên, liên tục, có đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ, sơ kết và tổng kết đúng quy định , kịp thời phát hiện mô hình mới, nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt để bồi dưỡng, nhận rộng và tôn vinh. Công tác khen thưởng đảm bảo dân chủ, chính xác, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng, đúng theo quy định hiện hành.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG THI ĐUA VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Đối tượng thi đua

1.1. Tập thể: Các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

1.2. Cá nhân: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

2. Nội dung thi đua

2.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền phổ biến, triển khai, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2022 - 2025.

2.2. Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho chuyển đổi số, thúc đẩy chính quyền số, khuyến khích doanh nghiệp và người dân tham gia vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số.

2.3. Tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của tỉnh; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về chuyển đổi số.

2.4. Tích cực xây dựng, tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập và sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số.

2.5. Tổ chức các phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm thu hút, tập hợp sự tham gia, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

2.6. Các nội dung ưu tiên thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số trong một số lĩnh vực cơ bản của giai đoạn 2022 - 2025 như sau:

- Chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp: Xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin nông nghiệp từ các nguồn dữ liệu: trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi và phòng chống thiên tai, kết hợp dữ liệu khí tượng - thủy văn, tình hình thiên tai, dịch bệnh và dữ liệu bản đồ nền. Sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng website trong công tác quảng bá, giới thiệu, quản lý, buôn bán sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Bắc Kạn. Phát triển các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử, nền tảng truy xuất nguồn gốc… cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để tự động hóa quy trình sản xuất kinh doanh, quản lý, giám sát chuỗi cung ứng sản phẩm.

- Chuyển đổi số trong ngành Văn hóa, du lịch: Xây dựng và triển khai giải pháp du lịch qua hình ảnh đối với những di tích lịch sử quan trọng của tỉnh Bắc Kạn; phát triển ứng dụng di động dành cho khách du lịch Bắc Kạn để hỗ trợ du khách; sử dụng trang web du lịch chính thức để giúp du khách lên kế hoạch cho chuyến đi đến Bắc Kạn. Đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến ở tất cả các điểm đến du lịch; xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý thư viện số; sử dụng công nghệ số hóa tài nguyên tri thức trên toàn tỉnh Bắc Kạn

- Chuyển đổi số trong ngành Y tế: Hoàn thành việc triển khai hệ thống thông tin y tế, thu thập đầy đủ, chất lượng, kịp thời và được chia sẻ theo phân quyền và bảo mật. Thông tin y tế sử dụng hiệu quả trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, công tác quản lý theo dõi dịch bệnh và ra quyết định chính sách của ngành Y tế. Các bệnh viện, các trạm y tế triển khai phần mềm quản lý, số hóa bệnh án sử dụng bệnh án điện tử và nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh từ xa, thực hiện thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. Các dịch vụ y tế được cung cấp chủ yếu trên nền tảng số, hiệu quả, nhanh chóng, kịp thời. Thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, hoàn thiện việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng.

- Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo: Hoàn thiện và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu ngành, số hóa các dữ liệu chuyên ngành, liên thông, tích hợp với kho dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý và khai thác, chia sẻ dữ liệu ngành Giáo dục và Đào tạo. Triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục, đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin cho giáo dục theo hướng hiện đại, thiết thực và hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số để đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học đổi mới công tác kiểm tra - đánh giá, phát triển hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến cho tất cả các môn học của giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tập trung chuyển đổi số trong công tác quản lý giáo dục, điện tử hóa và thực hiện ký số toàn bộ các văn bản quản lý của ngành; Thực hiện các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền tảng quản trị giáo dục thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính.

- Chuyển đổi số trong ngành Tài nguyên, môi trường: Xây dựng, cập nhật hệ thống kho tư liệu Tài nguyên môi trường dạng số phục vụ quản lý, khai thác, sử dụng và chia sẻ thông tin dữ liệu Tài nguyên môi trường của tỉnh; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số để ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Chuyển đổi số trong ngành Xây dựng: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số để phục vụ công tác quản lý chuyên môn về hoạt động xây dựng và chuyên ngành: về nhà ở, bất động sản; về nguồn nguyên liệu dùng cho sản xuất vật liệu xây dựng; về quy hoạch xây dựng…

[...]