Kế hoạch 09/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 09/KH-UBND
Ngày ban hành 10/01/2023
Ngày có hiệu lực 10/01/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 10 tháng 01 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, HƯỚNG TỚI NÔNG THÔN MỚI THÔNG MINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN, GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Thực hiện Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 06/QĐ-BCĐTW-VPĐP ngày 12/10/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 06/QĐ-BCĐTW-VPĐP ngày 12/10/2022 của Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 49-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy để tổ chức thực hiện trên địa bàn nhằm đạt mục tiêu đề ra, nâng cao hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, đi vào chiều sâu, bền vững, hướng tới nông thôn mới thông minh.

- Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, khuyến khích người dân nông thôn tích cực, chủ động áp dụng chuyển đổi số, góp phần phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng tiếp cận dịch vụ và đời sống của người dân.

2. Yêu cầu

- Triển khai thực hiện kế hoạch phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh bảo đảm thực hiện kịp thời, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Quá trình tổ chức thực hiện bảo đảm sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, UBND các huyện, thành phố và các xã; xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình thời gian, phân công rõ trách nhiệm để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; tổ chức triển khai thực hiện gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn - thành thị phù hợp với định hướng chuyển đổi số của tỉnh từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025

a) Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới:

- Có tối thiểu 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

- Tối thiểu 97% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 50% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; 50% xã đạt chuẩn chỉ tiêu 15.2 của Tiêu chí số 15 về Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao.

- Có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; 25% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 6.5 của Tiêu chí số 6 về Kinh tế, 25% đạt chỉ tiêu 9.2 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự - Hành chính công theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao.

- 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.

b) Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn:

- Xã có 100% số thôn có Tổ công nghệ số cộng đồng được duy trì và hoạt động.

- 50% xã có mô hình HTX tham gia liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của xã, 70% huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

c) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới:

- Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân, cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến.

d) Mô hình xã/thôn thông minh:

- Đối với xã nông thôn mới kiểu mẫu:

+ Mỗi xã nông thôn mới kiểu mẫu phấn đấu có ít nhất 01 mô hình đạt chuẩn thôn thông minh ứng dụng chuyển đổi số vào một trong các lĩnh vực: sản xuất - kinh doanh; quản lý trật tự an toàn xã hội, chiếu sáng thông minh, nông nghiệp thông minh theo tiêu chí Thôn thông minh.

- Phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 20 Thôn thông minh, ngoài các xã nông thôn mới kiểu mẫu, khuyến khích các xã nông thôn mới nâng cao đăng ký phấn đấu về đích Thôn thông minh.

[...]