Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Tỉnh Hậu Giang

Số hiệu 63/KH-UBND
Ngày ban hành 15/04/2022
Ngày có hiệu lực 15/04/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Hồ Thu Ánh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG, GIAI ĐOẠN 2022-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

Thực hiện Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045; Công văn số 252/BYT-DP ngày 14 tháng 01 năm 2022 của Bộ Y tế về việc tổ chức triển khai Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn Tỉnh, như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT

1. Tình hình, thực trạng về dinh dưỡng hiện nay

Theo các số liệu báo cáo kết quả dinh dưỡng cho thấy, mặc dù chỉ số dinh dưỡng cơ bản đạt được mục tiêu của Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 đề ra phấn đấu giảm tỷ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và giảm tiếp xuống còn 23% vào năm 2020 (thực tế theo Tổng điều tra 2020 tỷ lệ thấp còi 19,6% đạt mức thấp theo phân loại của WHO 1997); tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống 15% vào năm 2015 và giảm xuống 12,5% vào năm 2020 (thực tế tỷ lệ năm 2020 là 11,5%).

Ngoài vấn đề SDD, tình trạng thiếu Vitamin A, thiếu máu thiếu sắt và thiếu kẽm vẫn là các vấn đề có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ thiếu Vitamin A, thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ và trẻ dưới 5 tuổi đã có nhiều cải thiện, tuy vậy kết quả vẫn chưa đạt được theo mong muốn. Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam là 27,8% năm 2015 và 19,6% năm 2020. Tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai tương ứng là (32,8% và 25,6%) và tỷ lệ này ở phụ nữ tuổi sinh đẻ không có thai là (25,5% và 16,2%). Tỷ lệ thiếu Vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi là 13,1% năm 2015 và 9,5% năm 2020. Tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ thấp tương ứng là 34,8% và 18,3%. Tỷ lệ thiếu kẽm đặc biệt rất cao ở trẻ dưới 5 tuổi (69,4% năm 2015 và 58% năm 2020); phụ nữ có thai là tương ứng là (80,3% và 63,5%). Tất cả các tỷ lệ này đều chưa đạt được các mục tiêu đặt ra về cải thiện tình trạng vi chất bà mẹ và trẻ em của Chiến lược Dinh dưỡng quốc gia 2011-2020 và Kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng 2017-2020.

Tại tỉnh Hậu Giang, kết quả điều tra dinh dưỡng 30 cụm dân cư năm 2021 tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 11,8%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 22,3%.

2. Các chương trình hoạt động về Dinh dưỡng đã triển khai trong thời gian qua

- Hoạt động Chiến dịch uống bổ sung Vitamin A cho trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi và trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ thiếu Vitamin A (mỗi năm 2 chiến dịch vào đầu tháng 6 và đầu tháng 12).

- Hoạt động điều tra dinh dưỡng trẻ em < 5 tuổi hằng năm.

- Thực hiện tuần lễ dinh dưỡng từ ngày 16 - 23/10; ngày vi chất dinh dưỡng 1/6 hằng năm.

- Triển khai thực hiện chương trình chăm sóc dinh dưỡng trong 1000 ngày đầu đời, theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em; quản lý và điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.

- Các dự án này có nhiều đầu mối triển khai, đối tượng và địa điểm thực hiện trong phạm vi hẹp, nguồn kinh phí hạn chế.

3. Những khó khăn, thách thức

- Nguồn lực cho công tác dinh dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu chỉ mới tập trung cho công tác phòng chống suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi.

- Nhiều vấn đề dinh dưỡng quan trọng quyết định đến phát triển tầm vóc và thể lực của người dân như: chăm sóc dinh dưỡng cho 1000 ngày đầu đời, dinh dưỡng cho bà mẹ có thai và cho con bú, phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng tại các hộ gia đình, thực hiện chưa đạt hiệu quả.

- Người dân chưa ý thức được sự quan trọng và có ý nghĩa về các vấn đề dinh dưỡng, chưa tạo được thói quen thực hành dinh dưỡng đúng và khoa học.

- Kinh phí cho các hoạt động về dinh dưỡng còn nhiều hạn chế.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương, vùng, dân tộc, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người Việt Nam.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

2.1. Thực hiện chế độ ăn đa dạng, hợp lý cho mọi lứa tuổi

- Tỷ lệ trẻ 6-23 tháng có chế độ ăn đúng, đủ đạt 65% vào năm 2025 và đạt 80% vào năm 2030.

- Tỷ lệ người trưởng thành tiêu thụ đủ số lượng rau quả hàng ngày đạt 55% vào năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030.

- Tỷ lệ các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm đạt 50% vào năm 2025 và phấn đạt 80% vào năm 2030.

- Tỷ lệ bệnh viện tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý cho người bệnh đạt 70% vào năm 2025 và phấn đấu đạt 80% năm 2030.

[...]