Kế hoạch 63/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Số hiệu 63/KH-UBND
Ngày ban hành 25/02/2022
Ngày có hiệu lực 25/02/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/KH-UBND

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỦY SẢN THÀNH PHỐ HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045

Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 42/TTr-SNN ngày 16/02/2022, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như sau:

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

- Căn cứ Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Thủy sản;

- Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030; số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030;

- Căn cứ Quyết định số 1095/QĐ-BNN-TCTS ngày 15/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Kế hoạch ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản giai đoạn 2021-2025;

- Căn cứ Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 của Hội đồng nhân dân Thành phố về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội;

- Căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố: số 1836/QĐ-UBND ngày 25/02/2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển thủy sản thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp Thành phố, các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của thành phố Hà Nội; số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 ban hành danh mục các vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN THỦY SẢN HÀ NỘI

1. Phát triển thủy sản phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố. Xây dựng thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, có quy mô và giá trị hàng hóa cao, có thương hiệu và uy tín, đáp ứng phần lớn nhu cầu thủy sản nước ngọt của người dân Thủ đô, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu một số đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao.

2. Phát triển toàn diện ngành thủy sản Thành phố theo hướng bền vững, bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội. Phát triển thủy sản gắn với nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, xây dựng nông thôn mới, gắn với đảm bảo môi trường sinh thái cho người dân Thủ đô. Đồng thời, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi và xây dựng thương hiệu sản phẩm thủy sản theo vùng, theo đối tượng nuôi.

3. Đảm bảo phát triển hài hòa diện tích mặt nước ở các quận, huyện để vừa đảm bảo chiến lược phát triển thủy sản của Thành phố, vừa có tác dụng điều hòa không khí đảm bảo môi trường sống lý tưởng cho cư dân Thủ đô, vừa đảm bảo cân bằng hệ sinh thái nông nghiệp, vừa là nơi thoát nước mặt chống úng ngập cho thành phố vừa là dự trữ nguồn tài nguyên nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

4. Thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển thủy sản hiệu quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường, phòng ngừa dịch bệnh thủy sản, chọn tạo và bảo tồn những giống loài thủy sản chủ lực và bản địa. Khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng, bố trí sản xuất hợp lý dựa trên cơ sở khoa học và điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng cụ thể, hạn chế xung đột với những ngành kinh tế khác.

5. Phát triển thủy sản làm cảnh vừa giúp cân bằng môi trường sinh thái tại các hồ trong nội thành (không được phép nuôi thủy sản làm thực phẩm), vừa tạo cảnh quan, sinh thái cho các hồ điều hòa trong các khu đô thị, khu dân cư, tạo thêm điểm nhấn du lịch sinh thái, thu hút thêm khách du lịch đến với Thành phố.

6. Hoàn thành việc đưa vào quy hoạch chung về xây dựng phát triển các loại hình mặt nước trên địa bàn Thành phố, trong đó có các loại hình mặt nước trong nội thành.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THỦY SẢN HÀ NỘI

1. Mục tiêu chung

Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của Thủ đô, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng hiệu quả cao; có thương hiệu uy tín, khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, bảo đảm an sinh xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn Thành phố đạt 3,5 - 4,5%/năm.

- Tập trung đầu tư cho các vùng sản xuất công nghệ cao, hữu cơ, sản xuất giống chất lượng cao; mở rộng và đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản lồng bè để tăng năng suất chất lượng sản phẩm thủy sản. Tạo môi trường cảnh quan sinh thái tại các hồ nội thành, hồ điều hòa tại các khu đô thị trên địa bàn Thành phố.

- Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 25.000 ha; trong đó vùng nuôi trồng thủy sản tập trung 10.000 ha với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm.

- Tổng sản lượng thủy sản sản xuất đạt 200 nghìn tấn (trong đó thủy sản nuôi lồng bè ≥ 2,8 nghìn tấn), sản lượng thủy sản khai thác ổn định khoảng 1,8 nghìn tấn/năm.

- Tổng sản lượng sản phẩm thủy sản chế biến đạt 15 nghìn tấn.

- Giải quyết việc làm cho trên 30 nghìn lao động, có thu nhập bình quân đầu người lao động thủy sản tương đương hoặc cao hơn thu nhập bình quân chung lao động trong lĩnh vực nông nghiệp khác.

3. Tầm nhìn đến năm 2045

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ