Kế hoạch 623/KH-UBND năm 2021 về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2021-2022 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 623/KH-UBND
Ngày ban hành 29/11/2021
Ngày có hiệu lực 29/11/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 623/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 29 tháng 11 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA NĂM 2021-2022

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013; Luật Trồng trọt ngày 19/11/2018;

Căn cứ Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/2/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;

Căn cứ Quyết định số 586/QĐ-BNN-TT ngày 12/02/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa đến năm 2020; Quyết định số 4712/QĐ-BNN-TT ngày 09/12/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc sửa đổi, bổ sung kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2019-2020; Quyết định số 3963/QĐ-BNN-TT ngày 07/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn quốc năm 2021;

Căn cứ nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các địa phương và đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 170/TTr-SNN ngày 29/10/2021 và Báo cáo số 499/BC-SNN ngày 24/11/2021 về thực trạng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2021-2022, với các nội dung chính như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn thống kê là đất lúa theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/2/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

- Xây dựng và mở rộng các các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi, tạo thành các vùng hàng hóa hiệu quả cao, phục vụ tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khai thác tốt hơn lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đa dạng hóa các sản phẩm nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Yêu cầu

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải tuân thủ các quy định của Luật Đất đai, Luật Trồng trọt, Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/2/2019 của Chính phủ, các quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT và của UBND tỉnh về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu. Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa nhưng vẫn phải duy trì quỹ đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Khi chuyển đổi phải bám sát theo nhu cầu thị trường, khai thác được lợi thế về đất đai, lợi thế về vị trí địa lý, tập quán và kỹ thuật canh tác của nông dân, sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, ổn định; gắn liền với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đảm bảo cho hiệu quả kinh tế cao, ổn định và bền vững; bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nguyên tắc chuyển đổi

- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 56 Luật Trồng trọt; Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/2/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp được các cấp có thẩm quyền phê duyệt; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi. Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.

- Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.

- Đất trồng lúa sau khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo quy định, được thống kê là đất trồng lúa.

2. Kế hoạch diện tích chuyển đổi: Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2021-2022 là 6.519 ha, trong đó: Chuyển đổi sang cây lâu năm là 6.033 ha, chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là 486 ha (Chi tiết theo phụ biểu đính kèm).

3. Địa điểm, thời gian thực hiện

- Địa điểm thực hiện: Tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Thời gian thực hiện: Năm 2021-2022.

III. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THẨM QUYỀN CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG TRÊN ĐẤT TRỒNG LÚA

[...]