Kế hoạch 622/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Số hiệu 622/KH-UBND
Ngày ban hành 05/02/2021
Ngày có hiệu lực 05/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lê Huyền
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 622/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN "TRIỂN KHAI, ÁP DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỆ THỐNG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

Thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, xã hội, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về hoạt động truy xuất nguồn gốc thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn cho các tổ chức và cá nhân có liên quan;

- Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa;

- Đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc;

- Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trong tỉnh, kết nối với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia;

- Nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa, trong đó chú trọng sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm đặc trưng; sản phẩm đặc thù của tỉnh; sản phẩm Chương trình OCOP, qua đó kiểm soát chặt chẽ ở tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Đến năm 2025:

- Xây dựng 05 - 07 mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm như: Nho, táo, măng tây, tỏi, nha đam, rong sụn, tôm giống, cừu, dê, nước mắm, thổ cẩm, gốm, các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm làng nghề và định hướng phát triển làng nghề... Trên cơ sở đó, nhân rộng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực và các sản phẩm, hàng hóa OCOP của tỉnh;

- Tối thiểu 25% doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp trong nước và quốc tế;

- Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh và phát triển hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho việc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

b) Đến năm 2030:

- Tối thiểu 50% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của tỉnh sử dụng mã số, mã vạch có hệ thống truy xuất nguồn gốc đủ điều kiện kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia;

- Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng, quản lý và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong tỉnh vào hệ thống thông tin truy xuất truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh và kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Thông tin tuyên tuyền phổ biến về hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; vận động người sản xuất, doanh nghiệp áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; giúp các các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ về lợi ích của việc minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc để đảm bảo các giải pháp truy xuất nguồn gốc kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia;

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn công chức tại các cơ quan quản lý chuyên ngành liên quan nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, sẵn sàng nguồn lực triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng sản phẩm, hàng hóa ưu tiên trên địa bàn tỉnh;

- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và nâng cao nhận thức về lợi ích của truy xuất nguồn gốc, nội dung của Đề án, tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định quản lý mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc thông qua các hội nghị, hội thảo, các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp;

- Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia và các tổ chức có liên quan tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hoạt động truy xuất nguồn gốc cho các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh có nhu cầu xây dựng, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa:

- Phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các nhóm sản phẩm, hàng hóa ưu tiên theo yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực và theo yêu cầu của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh;

- Vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc;

- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong khuôn khổ Chương trình quốc gia về năng suất, chất lượng.

[...]