Kế hoạch 61/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Ninh Bình năm 2022

Số hiệu 61/KH-UBND
Ngày ban hành 31/03/2022
Ngày có hiệu lực 31/03/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Song Tùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/KH-UBND

Ninh Bình, ngày 31 tháng 03 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ TỈNH NINH BÌNH NĂM 2022

Thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 118/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Đề án số 16/ĐA-UBND ngày 23/11/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 115/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh năm 2022, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX), đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức KTTT hiện có, phát triển mới các tổ chức KTTT, tạo việc làm và tăng thu nhập ổn định cho các thành viên HTX, tổ hợp tác (THT), góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Phát triển đa dạng các mô hình KTTT, HTX trên các lĩnh vực; đẩy mạnh xây dựng các mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình KTTT chuyên ngành sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.

2. Mục tiêu cụ thể

- Số lượng HTX, Liên hiệp HTX, THT: Thành lập mới 20 HTX, 20 THT và 01 Liên hiệp HTX.

- Số lượng thành viên HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác: Tổng số thành viên HTX khoảng 270.100 thành viên; số thành viên THT khoảng 3.050 thành viên.

- Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 2.600 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 46 triệu đồng/năm.

- Trình độ của cán bộ quản lý HTX: Tỷ lệ cán bộ hợp tác xã đạt trình độ sơ, trung cấp: 75%; tỷ lệ đạt trình độ cao đẳng, đại học đạt từ 25% trở lên.

- Phấn đấu đến hết năm 2022 có hơn 90% các HTX trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho ít nhất 300 lượt cán bộ công chức, viên chức lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan tham mưu giúp việc về kinh tế tập thể trong toàn tỉnh; 500 lượt cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.

- Phấn đấu ít nhất 50 HTX được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng, các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho ít nhất 05 HTX.

- Xây dựng ít nhất 10 mô hình tổ chức kinh tế tập thể ứng dụng công nghệ cao, áp dụng chuyển đổi số, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững.

- Phấn đấu hết năm 2022, có thêm ít nhất 20% tổ chức kinh tế tập thể được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Công tác tuyên truyền

- Tiếp tục tuyên truyền các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT; tích cực tuyên truyền các mô hình điển hình của các tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, các cách làm hay, sáng tạo trong phát triển KTTT.

- Hình thức tuyên truyền: Mở các chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chuyên trang trên Báo Ninh Bình về phát triển KTTT, HTX; xây dựng các phóng sự, tin bài trên website của Liên minh HTX tỉnh, các ngành, đoàn thể và trên nền tảng các mạng xã hội; tuyên truyền thông qua các lớp bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, phát huy vai trò và nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phát triển KTTT, Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

- Tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX theo hướng tập trung và thống nhất từ tỉnh đến các huyện, thành phố, bảo đảm thực hiện hiệu quả nội dung quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp, cũng như có cơ chế phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển KTTT; coi trọng công tác kiểm tra, sơ, tổng kết; tập trung tư vấn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khu vực KTTT, HTX về cơ chế, chính sách, nguồn vốn, những vướng mắc trong quá trình thực hiện...

- Phát huy hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp theo hướng tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, giám sát, báo cáo. Tạo điều kiện thuận lợi về tổ chức bộ máy và cơ chế cho hoạt động cho Liên minh Hợp tác xã tỉnh đủ năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ cấp ủy và chính quyền giao về phát triển KTTT, HTX và tham gia thực hiện các chương trình, dự án, dịch vụ công, các chương trình mục tiêu theo chức năng.

3. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX

3.1. Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho các tổ chức KTTT và cán bộ công chức, viên chức chỉ đạo, tham mưu về lĩnh vực KTTT

- Tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của các tổ chức KTTT theo hướng đổi mới hình thức đảm bảo thích ứng an toàn với công tác phòng chống Covid-19; nội dung tập trung cả lý luận và thực tiễn, gắn học trên lớp với thăm mô hình thực tế học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, hướng dẫn trực quan và thực hành.

- Tổ chức các lớp cập nhật kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về KTTT cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTT từ tỉnh đến cơ sở (bao gồm cả chuyên trách và kiêm nhiệm); công chức, viên chức của Liên minh HTX, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội

[...]