Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Kế hoạch 61/KH-TLĐ năm 2019 triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công giai đoạn 2019-2023 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 61/KH-TLĐ
Ngày ban hành 28/06/2019
Ngày có hiệu lực 28/06/2019
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Ngọ Duy Hiểu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/KH-TLĐ

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÁC NHIỆM VỤ CÔNG ĐOÀN THAM GIA PHÒNG NGỪA, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẬP THỂ, NGỪNG VIỆC TẬP THỂ VÀ ĐÌNH CÔNG GIAI ĐOẠN 2019 - 2023

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05/6/2008 và Kết luận 96-KL/TW ngày 07/4/2014 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; Chương trình 2494/CTr-TLĐ ngày 19/12/2018 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Nâng cao hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ đại diện cho người lao động, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, giai đoạn 2018-2023”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ công đoàn tham gia phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công, giai đoạn 2019-2023, nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Khẳng định và phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đặc biệt là trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Khi có tình huống xảy ra, đảm bảo sự chủ động, tích cực, kịp thời, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

2. Yêu cầu

- Đổi mới tư duy và hành động; coi trọng, phát huy sức mạnh của số đông người lao động và mạng xã hội trong công tác phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

- Tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan, chính quyền các cấp trong phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

II. CÁC CHỈ TIÊU CỤ THỂ

1. Hàng năm giảm ít nhất 5% số cuộc ngừng việc tập thể và đình công.

2. 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công có sự tham gia giải quyết của công đoàn.

3. Có ít nhất 60% các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố xây dựng lực lượng công nhân nòng cốt thông tin, báo cáo về tình hình quan hệ lao động, tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

4. Có từ 80% trả lên cán bộ làm công tác chính sách pháp luật tại các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố được tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

5. Có từ 70% chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp có nguy cơ cao xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công được tập huấn kỹ năng giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

6. Triển khai công đoàn tổ chức và lãnh đạo đình công theo trình tự, quy định của pháp luật vào năm 2020 sau khi báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công

1.1 Nhiệm vụ

Phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật của doanh nghiệp dẫn đến tranh chấp lao động tập thể tập thể; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của người lao động khi chưa phát sinh tranh chấp lao động tập thể tập thể để có biện pháp kịp thời nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công xảy ra.

1.2. Giải pháp

1.2.1. Nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện văn bản liên quan đến về giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công

- Tích cực tham gia sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, các đạc luật khác và xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các quy định về giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể và đình công theo hướng khoa học, chặt chẽ, khả thi; phát huy vai trò của công đoàn cấp trên cơ sở và cấp tỉnh trong tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công.

- Sửa đổi, ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể tập thể và đình công theo hướng cụ thể, sát thực tế.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp công đoàn trong phòng ngừa tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công; hàng năm xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ, xác định rõ chỉ tiêu giảm tranh chấp lao động tập thể tập thể, ngừng việc tập thể và đình công.

1.2.2. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và công đoàn

[...]