Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2021 khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hoá Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 59/KH-UBND
Ngày ban hành 16/03/2021
Ngày có hiệu lực 16/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Vũ Việt Văn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 59/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 16 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

KHAI THÁC, PHÁT HUY HIỆU QUẢ THIẾT CHẾ VĂN HÓA BẢO TÀNG TỈNH, VĂN MIẾU TỈNH, GIAI ĐOẠN 2021- 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 01 năm 2001 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Thực hiện Quyết định số 4788/QĐ-BVHTTDL ngày 24/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”; Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tri số 25-TT/TU ngày 24/8/2020, Kế hoạch số 12-KH/TU ngày 07/01/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 14/12/2020 về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các CLB dân ca tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khai thác, phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xác định rõ nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, từng bước hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh đã được nhà nước đầu tư trở thành động lực thúc đẩy hoạt động của các thiết chế văn hóa ở cơ sở.

- Khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh nhằm đưa nơi đây thành địa chỉ đỏ về giáo dục thường xuyên về lịch sử; là lựa chọn ưu tiên trong những hình thức khám phá, vui chơi giải trí, đủ sức hấp dẫn thu hút đông đảo công chúng.

- Góp phần quảng bá hình ảnh đất, người Vĩnh Phúc và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng và phát triển du lịch của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch phải bám sát và gắn với việc thực hiện các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của tỉnh liên quan đến hoạt động giáo dục và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Xác định rõ nội dung các nhiệm vụ thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh, Văn miếu tỉnh, để tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, yêu cầu đề ra.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Khai thác, phát huy hiệu quả Bảo tàng tỉnh

- Chỉnh lý bổ sung đổi mới trưng bày nội thất phần Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc từ thời kỳ tiền sơ sử đến năm 1930; bổ sung hiện vật trưng bày ngoài trời gồm nhóm hiện vật là điêu khắc đá (tượng người, tượng linh vật, bia, thành phần kiến trúc…); Nhóm hiện vật là vũ khí khí tài của quân đội ta liên quan đến chiến công của quân và dân Vĩnh Phúc (xe tăng, máy bay, pháo cao xạ...)

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giới thiệu, trưng bày những hiện vật điển hình là bảo vật quốc gia, các di tích quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại phòng trưng bày; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa phần mềm các sưu tập, hiện vật lưu giữ kho hiện vật Bảo tàng tỉnh:

- Khai thác, sưu tầm, phục dựng, bổ sung các sưu tập hiện vật gốc điển hình mang đậm nét đặc trưng về lịch sử, văn hóa vùng đất Vĩnh Phúc, chuẩn bị các bước khoa học lựa chọn hiện vật đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận 02 hiện vật là bảo vật quốc gia (Chuông Cảnh Thịnh, Bộ di cốt tại di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu).

- Cải tạo không gian cảnh quan kết hợp với không gian văn hóa tại phần trưng bày ngoài trời; trồng cây cảnh, hoa và sân vườn, tạo các điểm nhấn tiểu cảnh văn hóa kết hợp với cảnh quan không gian xanh, sạch, đẹp đáp ứng các hoạt động vui chơi, giải trí, chụp hình lưu niệm, tổ chức sự kiện...

- Tổ chức các hình thức giáo dục, trải nghiệm, trình diễn, giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể và các trò chơi dân gian truyền thống tại không gian Bảo tàng tỉnh, đưa Bảo tàng trở thành trung tâm sinh hoạt chính trị, văn hóa, khoa học, vui chơi giải trí tích cực trên địa bàn như: Kéo song Hương Canh, kéo co Hòa Loan, hát trống quân Đức Bác, hát Soọng cô dân tộc Sán Dìu, hát Sình ca dân tộc Cao Lan, lễ cấp sắc dân tộc Dao, hát chầu văn; trình diễn và trải nghiệm nghề thủ công truyền thống Vĩnh Phúc, tiêu biểu như gốm Hương Canh, gốm Hiển Lễ, nghề mộc Thanh Lãng, mộc Bích Chu, đan lát Triệu Đề, rèn Lý Nhân, đục đá Hải Lựu…. Định kỳ tổ chức 06 lần/01năm.

- Tổ chức các chương trình tham quan học tập, giáo dục môn lịch sử cho học sinh, sinh viên thông qua trưng bày cố định và các cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng, trưng bày lưu động tại các trường học để gắn kết hiệu quả hoạt động của bảo tàng với giáo dục học đường. Định kỳ tổ chức 12 lần/01 năm.

- Phối hợp ký kết với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh đưa Bảo tàng tỉnh là một điểm đến trong hành trình các tour du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức khai thác, sử dụng tạo nguồn thu thông qua các hoạt động thu phí tham quan; phối hợp với các tổ chức và cá nhân khai thác các hoạt động dịch vụ với các hình thức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị nhằm đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng như: Tạo mẫu, giới thiệu và kinh doanh các sản phẩm lưu niệm, văn hóa ẩm thực truyền thống của tỉnh gắn với vùng đất và con người Vĩnh Phúc…

- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, tăng cường giới thiệu nội dung và chương trình hoạt động của bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng, website, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Twitter…tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng, kết nối chặt chẽ với các tuor, tuyến du lịch nhằm thu hút khách tham quan đến với Bảo tàng.

- Xây dựng đề án, chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quản lý điều hành và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, để qua đó sớm hình thành đội ngũ chuyên gia, những người đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hàng năm có kế hoạch tuyển chọn, bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ thuyết minh viên bảo tàng.

- Tổ chức giao lưu, trao đổi trưng bày, giới thiệu hiện vật với các bảo tàng Trung ương, bảo tàng khu vực, bảo tàng các tỉnh, các bảo tàng trên thế giới nhằm quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Vĩnh Phúc với công chúng, bạn bè trong nước và quốc tế. Định kỳ tổ chức 02 lần/01 năm.

2. Khai thác, phát huy hiệu quả Văn Miếu tỉnh

- Duy trì chỉnh trang diện mạo, cảnh quan hệ thống đường dạo sân vườn, cắt tỉa, chăm sóc, cây xanh; hoàn thiện hệ thống điện, nước đưa vào sử dụng các công trình phụ trợ bảo đảm mỹ quan và đúng công năng.

[...]