Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2020 về ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 59/KH-UBND
Ngày ban hành 16/03/2020
Ngày có hiệu lực 16/03/2020
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Đ
ộc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 59/KH-UBND

Phú Yên, ngày 16 tháng 3 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ VỚI SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở nhiều địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang diễn biến phức tạp và có mức độ gia tăng về phạm vi, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng chống thiên tai, cơ sở hạ tầng vùng ven biển, ven sông. Để chủ động xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên bao gồm các nội dung chính như sau:

Phần I

CƠ SỞ PHÁP LÝ, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống, thiên tai năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số: 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011, ban hành Quy chế xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển; số: 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014, quy định chi tiết về cấp độ rủi ro thiên tai; số: 03/2020/QĐ-TTg ngày 13/01/2020, quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai;

Thực hiện Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 19/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Nâng cao trách nhiệm của các địa phương và các cơ quan nhà nước, các đơn vị liên quan và các cá nhân trong việc ứng phó, khắc phục hậu quả do sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm thực triều cường gây ra, nhằm góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

2. Yêu cầu

- Công tác phòng, chống và khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành chủ động và thường xuyên nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do sạt lở bờ sông, bờ biển gây ra.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đạt hiệu quả của các cấp, các ngành nhất là các địa phương.

- Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó với sạt lở bờ sông, bờ biển đến cộng đồng dân cư.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển của toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Phần II

KHÁI QUÁT CHUNG TÌNH HÌNH SẠT LỞ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN

1. Đặc điểm tự nhiên-xã hội

- Tỉnh Phú Yên là tỉnh ven biển Nam Trung bộ với diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 5.060km2, trong đó, đồi núi chiếm 70% diện tích. Tỉnh có 09 đơn vị hành chính gồm các huyện: Đồng Xuân, Đông Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa, Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, thị xã Sông Cầu và thành phố Tuy Hòa, với 110 đơn vị cấp xã (16 phường, 8 thị trấn và 86 xã). Dân số trung bình của tỉnh Phú Yên tính đến năm 2019 là 961.152 người, mật độ dân số khoảng 180 người/km2, trong đó thành thị 28,7%, nông thôn 71,3%, lực lượng lao động chiếm 71,5% dân số.

- Hệ thống sông ngòi: Sông ngòi trên địa bàn tỉnh Phú Yên phân bố tương đối đều trong toàn tỉnh, chỉ có sông Ba thuộc loại sông lớn, còn các sông khác thuộc loại vừa và nhỏ, với tổng diện tích lưu vực là 16.400km2, tổng lượng dòng chảy 11.8tỷ m3; các sông chính chảy qua địa bàn tỉnh Phú Yên gồm: Sông Ba: Diện tích lưu vực là 13.417km2, chủ yếu tập trung ở Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak, phần diện tích ở Phú Yên chỉ có 2,243km2 (chiếm 17%), tổng chiều dài của sông 396km, phần thuộc địa phận tỉnh Phú Yên dài 90km (chiếm 25%); Sông Kỳ Lộ: Còn gọi là sông La Hiêng ở thượng nguồn và sông Cái ở hạ lưu, là sông lớn thứ hai trong tỉnh, diện tích toàn lưu vực 1.950km2, phần thuộc tỉnh Phú Yên 1.560km2, chiều dài sông 102km, trong đó thuộc tỉnh Phú Yên là 76km; Sông Bàn Thạch: Còn gọi là sông Bánh Lái ở đoạn phía trên và sông Đà Nông ở phía gần biển. Sông có chiều dài là 68km với diện tích lưu vực là 590km2; Sông Cầu: Còn gọi là sông Cả, là một sông nhỏ của tỉnh, diện tích lưu vực 146km2, chiều dài 28km toàn bộ sông nằm trong tỉnh.

2. Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển trong thời gian qua

Từ năm 2010 tới nay, sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp và có mức độ gia tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, trung bình hàng năm, xói lở đã làm mất hàng chục đến hàng trăm hecta đất ven sông, ven biển. Trong đó, sạt lở bờ sông 17 điểm với tổng chiều dài khoảng 46,9km (chủ yếu diễn ra dọc theo sông Ba, sông Kỳ Lộ, sông Bánh Lái và các nhánh nhỏ của hệ thống sông); sạt lở bờ biển có 19 điểm với tổng chiều dài 39,4km. Trong số các điểm sạt lở nêu trên, theo tiêu chí về phân loại sạt lở bờ sông, bờ biển quy định tại Quyết định số 01/2011/QĐ-TTg ngày 04/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế xử lý sạt lở bò sông, bờ biển, hiện có 14 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm (sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến khu tập trung dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng), tổng chiều dài 24,8km. Bao gồm, bờ sông 06 điểm với tổng chiều dài 12,3km, bờ biển 08 điểm với tổng chiều dài 12,5km (Phụ lục kèm theo 01).

3. Về tồn tại, nguyên nhân

- Hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển một phần do tác động của thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lớn, triều cường, sóng biển,...kết cấu và sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển.

[...]