Kế hoạch 77/KH-UBND năm 2017 thực hiện Quyết định 1755/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

Số hiệu 77/KH-UBND
Ngày ban hành 28/03/2017
Ngày có hiệu lực 28/03/2017
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 77/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 3 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1755/QĐ-TTG NGÀY 08/9/2016 CỦA THỦ TƯỞNG CHÍNH PHỦ VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ văn bản số 413/BVHTTDL-BQTG ngày 13/02/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

UBND tỉnh Bắc Ninh xây dựng Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tưởng Chính phủ về Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với những nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế thời đại trong quá trình hội nhập và phát triển; biến văn hóa trở thành sức mạnh tổng hợp của tỉnh, của quốc gia; khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, kết hợp với công nghệ hiện đại nhằm tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của nhân dân và xuất khẩu; đồng thời củng cố sức mạnh mềm của quốc gia và của tỉnh trong thời đại toàn cầu hóa, số hóa và gia tăng cạnh tranh.

- Góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, là thời cơ, điều kiện thuận lợi để văn hóa Bắc Ninh có cơ hội phát triển.

2. Yêu cầu

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phát huy được lợi thế của tỉnh, phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường; được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, các khâu sáng tạo, sản xuất, phân phối, phổ biến và tiêu dùng.

- Phát triển công nghiệp văn hóa gắn liền với việc quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam nói chung và của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế.

- Xác định rõ nhiệm vụ của các ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo điều kiện để các cấp các ngành nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

II. MỘT SỐ MỤC TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu đến năm 2020

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đóng góp khoảng 3% GDP, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

- Tập trung phát triển một số ngành sẵn có, lợi thế như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, phần mềm và các trò chơi giải trí, phát thanh và truyền hình, thời trang, du lịch văn hóa; ưu tiên tập trung xây dựng các dự án như Trung tâm Chiếu phim, Trung tâm thông tin triển lãm, Trung tâm bảo tồn…

- Từng bước phát triển các ngành: Kiến trúc, thiết kế, xuất bản, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Mục tiêu đến năm 2030

- Phấn đấu doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 7% GDP, tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

- Phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.

III. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nội dung

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của tỉnh, cụ thể:

1.1. Điện ảnh:

- Rà soát, đề nghị điều chỉnh, bổ sung các quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản liên quan đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam tại địa phương.

- Lập dự án xây dựng Rạp chiếu phim (hoặc Trung tâm Chiếu phim) hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại trung tâm thành phố Bắc Ninh (dự kiến quỹ đất được quy hoạch tối thiểu 5.000m2; thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2025); đầu tư đồng bộ về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị...

- Tăng dần tỷ trọng phim truyện Việt Nam tại rạp; tăng cường liên doanh, liên kết sản xuất các chương trình phim tài liệu, lịch sử, quê hương con người Bắc Ninh; truyền thống đấu tranh cách mạng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bắc Ninh; sản xuất phim hoạt hình gắn với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đi kèm; khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, đồng thời có tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

[...]