Kế hoạch 57/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2022
Ngày có hiệu lực 20/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ánh Dương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Bắc Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 10/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2022

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (Nghị quyết số 02/NQ-CP); UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh.

- Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, thân thiện để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đưa tỉnh Bắc Giang phát triển toàn diện, vững chắc, từng bước tạo thương hiệu, nâng vị thế, hình ảnh Bắc Giang lên tầm cao mới, góp phần vào công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Yêu cầu

- Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ được giao để hoàn thành các mục tiêu cụ thể năm 2022 được giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

- Triển khai thực hiện Kế hoạch theo sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, toàn diện của cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, của từng ngành, địa phương, đơn vị.

- Trong tổ chức thực hiện phải chỉ đạo kiên quyết, bám sát nội dung Nghị quyết và các văn bản liên quan, cụ thể, tránh hình thức; phải đặt ra yêu cầu có sự chuyên biệt từng khâu, bộ phận công việc, thủ tục; xác định cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, có sự kết hợp nhịp nhàng đồng bộ, hiệu quả giữa các ngành đơn vị đối với những công việc có liên quan.

II. NHỮNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh

a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Căn cứ vào lĩnh vực và các nhà đầu tư thực tế đang đầu tư tại tỉnh, nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện; đánh giá sự cần thiết của từng ngành nghề trong danh mục; tham mưu, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền đưa các ngành nghề ra khỏi danh mục nếu yêu cầu quản lý thiếu cơ sở khoa học, thiếu cơ sở thực tiễn, không có mục tiêu quản lý và cơ sở thực tiễn áp dụng tại tỉnh.

- Đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh trên cơ sở hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.

- Theo dõi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh ở các sở, ban, ngành, địa phương; báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết ngay các chậm trễ, sai lệch và các vấn đề mới phát sinh.

b) Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố:

- Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan; nghiêm túc thực thi đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; đảm bảo thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách TTHC về kiểm tra chuyên ngành; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

- Công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa của các năm trước đây trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và tại các cơ quan, đơn vị mình.

2. Tập trung dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật

a) Các sở: Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng:

- Nắm bắt kịp thời bất cập trong thực hiện các văn bản pháp luật mới ban hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền nhằm kịp thời tháo gỡ các bất cập.

- Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong quản lý doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh nhằm gắn trách nhiệm và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hỗ trợ cho doanh nghiệp.

b) Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố:

- Nghiên cứu, rà soát các luật có liên quan đến đầu tư tạo tài sản, phát triển năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Hợp tác xã, các Luật liên quan khác và các điều khoản liên quan trong các Nghị định hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở rà soát xác định: Các quy định đã không còn phù hợp với thực tế khách quan; Các quy định không hợp lý; Các quy định không rõ ràng, cụ thể; Các quy định chồng chéo, mâu thuẫn; Các quy định khác nhau về cùng một vấn đề,... và kiến nghị phương án bổ sung, sửa đổi phù hợp.

- Thực hiện tích hợp các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch, dễ tra cứu, dễ hiểu và dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

3. Tiếp tục thúc đẩy cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

[...]