Kế hoạch 57/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 10/03/2021
Ngày có hiệu lực 10/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ NHU CẦU ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (DSM) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 206-KH/TU ngày 19/9/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch số 224/KH-UBND ngày 18/11/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021, với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Đảm bảo ổn định cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội thủ đô, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng.

- Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện thành phố Hà Nội, góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia nhằm giảm nhu cầu về vốn đầu tư trong xây dựng mới, mở rộng hệ thống điện, góp phần khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên năng lượng và phát triển bền vững.

- Nâng cao nhận thức của khách hàng sử dụng điện trong việc quản lý nhu cầu điện và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình quốc gia về DSM đến cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; từng bước chuyển từ khách hàng sử dụng điện truyền thống sang khách hàng sử dụng điện thông minh.

2. Mục tiêu cụ thể

- Góp phần giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện Thành phố, quốc gia thông qua triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về DSM.

- Tiếp tục thực hiện các Đề án liên quan đã triển khai hiệu quả như Đề án lắp đặt công tơ biểu giá điện theo thời gian (Time of Use TOU), lắp đặt hệ thống bù công suất phản kháng, các Đề án quảng bá, nâng cao nhận thức cho khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Thành phố.

- Từng bước mở rộng đối tượng khách hàng tham gia Chương trình quốc gia về DSM đến cả các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt; tăng cường kết hợp thực hiện các Chương trình DSM với việc hỗ trợ, khuyến khích khách hàng tham gia đầu tư trang bị hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà.

- Tăng cường phối hợp và thực hiện lồng ghép với các Chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Lộ trình phát triển Lưới điện Thông minh và định hướng phát triển các dạng nguồn năng lượng tái tạo của Thành phố để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng của các Chương trình DSM và đạt được hiệu quả cao nhất.

- Tích cực triển khai các Chương trình Điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR), với mục tiêu có thể triển khai rộng rãi với nhiều đối tượng khách hàng sử dụng điện tham gia trên toàn Thành phố.

II. NỘI DUNG, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền, đào tạo nâng cao năng lực và nhận thức

- Xây dựng và triển khai đồng bộ các chương trình tuyên truyền, tăng cường giáo dục cộng đồng, giáo dục trong các cơ sở đào tạo về nội dung, lợi ích của việc thực hiện Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện trên địa bàn Thành phố. Sử dụng đồng bộ các phương tiện thông tin, truyền thông phù hợp để tăng cường nhận thức cho người dân, khách hàng sử dụng điện và các đơn vị điện lực đối với Chương trình quốc gia về DSM.

- Đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, đặc biệt cho các bộ phận, các đơn vị quản lý, triển khai Chương trình quốc gia về DSM.

- Nghiên cứu đề xuất xây dựng tài liệu đào tạo về nội dung và lợi ích của các Chương trình quốc gia về DSM để các trường học tham khảo đưa vào Chương trình giáo dục, phù hợp với cấp độ đào tạo học sinh, sinh viên.

- Phối hợp và thực hiện lồng ghép nâng cao nhận thức của xã hội, khách hàng sử dụng điện về Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện với nội dung tuyên truyền về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả do cơ quan chức năng và các đơn vị điện lực chủ trì thực hiện.

2. Về khoa học và công nghệ

- Tiếp tục trang bị các hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại tại các đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện như: Hệ thống hạ tầng đo đếm tiên tiến, công tơ đọc và thu thập số liệu đo đếm từ xa AMR, năng lượng mặt trời lắp mái, tích hợp lưu trữ năng lượng, thông tin để tối ưu hóa việc tham gia của khách hàng sử dụng điện trong Chương trình DSM, Chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR).

- Tiếp tục triển khai thay thế công tơ cơ khí bằng công tơ điện tử; lập cơ sở dữ liệu đo đếm hàng ngày của nhiều loại hình khách hàng từ dân dụng đến công nghiệp, dịch vụ đáp ứng yêu cầu phân tích, nghiên cứu phụ tải, dự báo phụ tải cũng như việc quản lý nhu cầu điện được chính xác và kịp thời.

- Tiếp tục triển khai rộng rãi, quảng bá sử dụng đèn compact - LED, khuyến khích sử dụng điều hòa công nghệ mới có hiệu suất cao và tiết kiệm điện, triển khai đề án công tơ biểu giá điện theo thời gian,...; khuyến khích sử dụng công nghệ mới hiệu suất cao và tiết kiệm điện.

- Tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu phụ tải điện, nâng cao năng lực dự báo nhu cầu phụ tải điện của Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan khác.

- Thực hiện đánh giá tiềm năng, nhu cầu và thiết kế các Chương trình DSM phù hợp đối với từng khu vực, đối tượng khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và cơ chế khuyến khích, các nguồn lực hỗ trợ khác. Các Chương trình DSM được thiết kế và thực hiện phải đảm bảo mục tiêu thuyết phục khách hàng sử dụng điện tham gia một cách tự nguyện và chủ động.

3. Về cơ chế chính sách

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc thù, đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn Thành phố, trong đó ứng dụng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ