Kế hoạch 57/KH-UBND về đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa năm 2021

Số hiệu 57/KH-UBND
Ngày ban hành 19/03/2021
Ngày có hiệu lực 19/03/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Văn Thi
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/KH-UBND

Thanh Hoá, ngày 19 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO KHỞI SỰ KINH DOANH VÀ QUẢN TRỊ KINH DOANH CHO CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TỈNH THANH HÓA NĂM 2021

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Thông tư số 49/2019/TT-BTC ngày 08/8/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Thanh Hóa và Nghị quyết số 332/NQ-HĐND ngày 06/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc phân bổ ngân sách địa phương năm 2021 tỉnh Thanh Hóa.

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 235/SKHĐT- ĐKKD ngày 03/3/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đào tạo khởi sự kinh doanh và quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thanh Hóa năm 2021, với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Đào tạo khởi sự kinh doanh nhằm cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cơ bản về khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, khuyến khích ham muốn thành lập doanh nghiệp, khát vọng làm giàu chính đáng trong Nhân dân.

- Đào tạo quản trị kinh doanh và đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu, cung cấp kiến thức về quản trị kinh doanh nhằm nâng cao kỹ năng vận hành, quản lý doanh nghiệp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh.

- Phấn đấu năm 2021 thành lập mới 3.000 doanh nghiệp trở lên.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ hình thức, đối tượng, nội dung, thời gian, địa điểm, chương trình đào tạo; phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện kế hoạch, làm cơ sở để đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình và báo cáo kết quả thực hiện.

- Thông qua các lớp đào tạo để cung cấp và trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh, quản trị kinh doanh chuyên sâu; các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh của Trung ương và của tỉnh mới ban hành để các học viên kịp thời nắm bắt.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu

Năm 2021, tổ chức đào tạo 154 lớp cho 14.580 lượt học viên, trong đó:

- Tổ chức 60 lớp đào tạo khởi sự kinh doanh cho khoảng 6.000 lượt học viên, tối thiểu 100 học viên/lớp (Chi tiết có Phụ lục số 01 kèm theo).

- Tổ chức 80 lớp đào tạo quản trị kinh doanh cho khoảng 8.000 lượt học viên, tối thiểu 100 học viên/lớp (Chi tiết có Phụ lục số 02 kèm theo).

- Tổ chức 10 lớp đào tạo quản trị kinh doanh chuyên sâu cho khoảng 500 lượt học viên, tối thiểu 50 học viên/lớp.

- Tổ chức 4 lớp đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến cho khoảng 80 học viên, tối thiểu 20 học viên/lớp.

2. Đào tạo khởi sự kinh doanh

a) Đối tượng đào tạo: Theo quy định tại Khoản 4, Điều 3 Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gồm: người lao động của doanh nghiệp mới chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp mới thành lập trong 2 năm, đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

b) Địa điểm tổ chức đào tạo: Tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố (nơi có đủ điều kiện theo quy định).

c) Thời gian đào tạo: Mỗi lớp đào tạo tổ chức trong 02 ngày.

d) Hình thức đào tạo: Đào tạo tập trung.

e) Chuyên đề đào tạo: Lựa chọn một hoặc một số chuyên đề đào tạo theo quy định tại Mục 1, Phụ lục 1 Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2019/TT- BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[...]