Kế hoạch 5680/KH-UBND năm 2021 thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do tỉnh Phú Thọ ban hành

Số hiệu 5680/KH-UBND
Ngày ban hành 06/12/2021
Ngày có hiệu lực 06/12/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Hồ Đại Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5680/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 06 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN MỤC TIÊU, ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ VIỆT TRÌ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ LỄ HỘI VỀ VỚI CỘI NGUỒN DÂN TỘC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội; trên cơ sở rà soát xác định các yêu cầu nhiệm vụ; để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích.

- Xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội gắn với việc đầu tư, tôn tạo, phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng.

2. Yêu cầu.

- Bám sát 5 định hướng phát triển và các nhiệm vụ, giải pháp theo đề án phát triển thành phố Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam để cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình thực hiện.

- Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, xã hội và nhân dân trong việc tham gia quản lý, giám sát quá trình thực hiện đề án.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về công tác quy hoạch

1.1. Nhiệm vụ: Quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của thành phố đảm bảo mở rộng không gian chung, gắn với phát triển không gian thành phố lễ hội của khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng.

1.2. Giải pháp thực hiện

- Rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Việt Trì gắn với Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đến năm 2025 và Khu du lịch quốc gia Đền Hùng, trong đó nghiên cứu mở rộng địa giới hành chính để tạo lập vị thế mới cho thành phố Việt Trì, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của mỗi khu vực, tạo động lực phát triển cho vùng và tỉnh.

Việc điều chỉnh quy hoạch thành phố Việt Trì phù hợp với Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu chức năng gắn với việc phát triển trục không gian trung tâm của thành phố lễ hội, gồm: (1) Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, (2) Trung tâm thành phố Việt Trì (các tuyến đường: Hùng Vương, Nguyễn Tất Thành, Trần Phú và các trục đường kết nối các phường, xã thuộc trung tâm thành phố), (3) Khu vực Bến Gót- Bạch Hạc. Mở

- Thực hiện theo lộ trình kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Việt Trì giai đoạn 2021-2030.

2. Khôi phục, tái hiện các giá trị văn hóa truyền thống, các điển tích lịch sử, các trò chơi dân gian có ý nghĩa giáo dục và nghệ thuật cao.

2.1. Nhiệm vụ.

- Bảo tồn, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội hiện có1, trọng tâm là nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, các hoạt động văn hóa truyền thống, các hoạt động văn hóa dân gian phù hợp với văn hóa vùng Đất Tổ;

- Hình thành không gian lễ hội, gắn kết di sản văn hóa phi vật thể trong nước và thế giới; giữa các địa phương có di sản cội nguồn, các thành phố lễ hội- FESTIVAL, các tỉnh kết nghĩa Kyoto Nhật Bản, Hoasaang - Hàn Quốc….

2.2. Giải pháp thực hiện.

a) Duy trì, phục hồi các di sản văn hoá phi vật thể

- Tổ chức hội thảo, chuyên đề về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá độc đáo, đặc sắc vùng Đất tổ; hàng năm cập nhật, bổ sung, mở rộng địa bàn kiểm kê khoa học về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở tất cả các di tích trong tỉnh và trên địa bàn cả nước.

- Nghiên cứu, giới thiệu và phục hồi các truyền thuyết thời đại Hùng Vương tại các di tích lịch sử gắn với truyền thuyết Vua Hùng chọn đất đóng đô; truyền thuyết Vua Hùng thứ 18 lập đài thượng võ; làng Tiên Cát - nơi Vua Hùng thứ 18 lập lầu kén rể....bằng các hình thức sân khấu hóa, kể chuyện bằng hình ảnh.

- Tái hiện, sáng tạo, mô phỏng sống động các lễ hội văn hóa dân gian đặc trưng trong không gian thành phố Việt Trì; xây dựng kịch bản các Lễ hội nâng cấp để chuẩn hóa phần lễ và phần hội. Hoàn thiện nội dung kịch bản một số lễ hội mới: Lễ hội văn hoá dân gian đường phố; hội thi bơi chải hồ công viên Văn Lang... Các hoạt động được bố trí hợp lý theo thời gian trong năm gắn với cuộc sống sinh hoạt thường niên của người dân và các tuyến du lịch.

b) Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng:

[...]