Kế hoạch 56/KH-UBND năm 2019 về xây dựng, triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố (DDCI) thuộc tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2019-2021
Số hiệu | 56/KH-UBND |
Ngày ban hành | 12/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 12/04/2019 |
Loại văn bản | Kế hoạch |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Sóc Trăng |
Người ký | Lê Thành Trí |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 56/KH-UBND |
Sóc Trăng, ngày 12 tháng 04 năm 2019 |
Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2021, với nội dung cụ thể như sau:
1. Mục đích
Đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố từ đó góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sóc Trăng, thông qua thực hiện các mục tiêu sau:
- Xây dựng và triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành và cấp huyện, thị xã, thành phố để đánh giá năng lực điều hành của các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (tên gọi tiếng Anh là Department & District Competitiveness Index, viết tắt là DDCI). Từ kết quả đó đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.
- Tạo động lực để các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chủ động, tích cực trong cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
- Tạo thêm kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành. Từ đó, cải thiện chất lượng phục vụ dịch vụ hành chính công và nâng cao chất lượng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp.
2. Yêu cầu
- Việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI phải nhằm đáp ứng yêu cầu cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Theo đó, khi thiết kế câu hỏi khảo sát và tiêu chí đánh giá phải dựa trên cơ sở các chỉ số thành phần PCI cần được cải thiện; đồng thời, việc khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp...
- Kết quả khảo sát, điều tra lấy ý kiến phải được tổng hợp, phân tích, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan, minh bạch, là căn cứ để so sánh chất lượng điều hành các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời là cơ sở tin cậy để đề ra các giải pháp hiệu quả phát huy những ưu điểm và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
- Số lượng các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố được đánh giá cần phải theo lộ trình nhất định phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; trong đó, quy mô và số lượng tiêu chí, đối tượng được đánh giá cần phải được nghiên cứu kỹ, mở rộng dần theo từng năm.
- Sự thành công của việc xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI phụ thuộc chủ yếu vào sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị; sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh và sự tham vấn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Do đó, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cần phải quyết liệt trong triển khai thực hiện Kế hoạch này; công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp phải thật sự có hiệu quả; tranh thủ ý kiến tham vấn của VCCI.
1. Đối tượng, phạm vi
- Đối tượng được đánh giá: là các sở, ban ngành tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Sóc Trăng. Số lượng các sở, ban ngành tỉnh sẽ được đánh giá theo lộ trình từng năm tùy theo tình hình thực tế của tỉnh; 100% các huyện, thị xã, thành phố sẽ được đánh giá từ năm 2019.
- Phạm vi lấy ý kiến, khảo sát: các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể (đối với địa phương) đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
2. Bộ tiêu chí đánh giá
Tỉnh sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá phù hợp theo từng năm trên cơ sở các chỉ số thành phần của chỉ số PCI và tình hình thực tế của tỉnh Sóc Trăng.
3. Phương pháp thực hiện
Phương pháp xây dựng và triển khai thực hiện Bộ chỉ số DDCI dựa trên các phương pháp xây dựng chỉ số PCI của VCCI áp dụng trên điều kiện thực tiễn của tỉnh Sóc Trăng, trong đó gồm các bước cơ bản như sau:
- Phân tích các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số PCI và tình hình thực tế của tỉnh Sóc Trăng, từ đó đề ra bộ chỉ số DDCI của tỉnh.
- Xây dựng các câu hỏi điều tra khảo sát tương ứng với các chỉ số thành phần trong Bộ chỉ số DDCI và xác định các nguồn dữ liệu cần thu thập bổ sung.
- Thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu bổ sung. Dữ liệu điều tra được thu thập thông qua nhiều hình thức khác nhau như khảo sát doanh nghiệp, tổ chức qua đường bưu điện; khảo sát trực tiếp; khảo sát trực tuyến và khảo sát dựa trên kết quả đánh giá tại Trung tâm phục vụ hành chính công.
- Tính toán các chỉ số thành phần và chuẩn hóa theo thang điểm nhất định.
- Gán trọng số và tính điểm số DDCI tổng hợp.
Ngoài ra, có thể sử dụng các phương pháp tham vấn chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Viện, Trường Đại học trong và ngoài nước.