Kế hoạch 540/KH-UBND năm 2023 phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 540/KH-UBND
Ngày ban hành 26/12/2023
Ngày có hiệu lực 26/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Văn Vĩnh
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 540/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 26 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25 tháng 5 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Công văn số 3205/CVT-PTHT ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Cục Viễn thông về hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số tại địa phương; Công văn số 3115/BTTTT-CVT ngày 02 tháng 8 năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2023 - 2025 như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhu cầu thông tin liên lạc, giải trí của Nhân dân; sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về kết nối và xử lý dữ liệu và đảm bảo an toàn thông tin mạng.

- Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) băng rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

- Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; các Nghị quyết chuyên đề, định hướng của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hạ tầng viễn thông; tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng viễn thông của tỉnh. Đảm bảo an toàn an ninh mạng lưới, giảm thiểu các sự cố mất thông tin liên lạc, đảm bảo môi trường, cảnh quan đô thị.

2. Yêu cầu

- Phát triển hạ tầng số phải bám sát quan điểm, định hướng lớn, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm và hoàn thành các mục tiêu trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Tỉnh ủy Tiền Giang về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

- Hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.

- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp phát triển hạ tầng số theo nguyên tắc dùng chung, chia sẻ.

- Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ, trong đó giải pháp đột phá là hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng số.

- Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, có bước đi và lộ trình cụ thể.

- Hạ tầng số được phát triển an toàn, tin cậy, góp phần tạo lập niềm tin số.

II. HIỆN TRẠNG HẠ TẦNG SỐ

1. Mạng viễn thông băng rộng di động

- Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động/100 dân: 76,85%.

- Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh/tổng thuê bao điện thoại di động: 74,60%.

- Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh: 80%.

- Tốc độ băng rộng di động (tốc độ trung bình theo i-Speed): 30 Mbps.

- Tỷ lệ ấp, khu phố được phủ sóng di động băng rộng: 100%.

- Tỷ lệ dùng chung vị trí BTS: 30%.

[...]