Kế hoạch 6668/KH-UBND năm 2023 phát triển hạ tầng số tỉnh Bình Dương đến năm 2025

Số hiệu 6668/KH-UBND
Ngày ban hành 21/12/2023
Ngày có hiệu lực 21/12/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Nguyễn Lộc Hà
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6668/KH-UBND

Bình Dương, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

 KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG SỐ TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 885/QĐ-BTTTT ngày 25/5/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ tiêu chí đánh giá phát triển hạ tầng số của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 132/TTr-STTTT ngày 15/12/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số tỉnh Bình Dương đến năm 2025 với nội dung cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quan điểm

- Hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số có tính chất hạ tầng) là hạ tầng quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế số, xã hội số.

- Hạ tầng số phải được ưu tiên phát triển nhanh, phát triển trước với tiêu chuẩn và chất lượng cao, liên tục được cập nhật để đảm bảo kết nối, tạo lập, duy trì dòng chảy dữ liệu phục vụ cho mục tiêu chuyển đổi số, phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, góp phần cụ thể hóa quan điểm, định hướng của Trung ương, của tỉnh trong những năm tới.

2. Mục đích

- Hạ tầng số được phát triển nhanh, phát triển trước, phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

- Phát triển hạ tầng số góp phần hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; các Nghị quyết chuyên đề, định hướng của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh có liên quan.

- Phát triển hạ tầng số băng thông rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

3. Yêu cầu

- Hạ tầng số được phát triển với năng lực cao, chất lượng tốt, băng thông rộng, an toàn, đáp ứng nhu cầu phát triển của Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh; đồng thời đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, chi phí phù hợp.

- Hạ tầng số được lập kế hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và các hạ tầng kỹ thuật khác.

- Hạ tầng số phát triển theo hướng mở, ảo hóa, tối ưu cho việc dùng chung để có thể được cung cấp như một dịch vụ.

- Phát triển hạ tầng số phải đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, tận dụng hạ tầng có sẵn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển hạ tầng số để phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền số, dẫn dắt kinh tế số, xã hội số, trong đó lấy trải nghiệm người dùng là trọng tâm; tạo động lực phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế số.

- Phát triển hạ tầng số với chất lượng cao, băng thông rộng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu lớn.

2. Mục tiêu đến năm 2025

a) Hạ tầng viễn thông băng rộng

* Hạ tầng

- 100% khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ băng rộng di động với tốc độ tải xuống trung bình thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

- 100% khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ băng rộng cố định cáp quang với tốc độ tải xuống trung bình thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước.

- Tối thiểu 30% cột ăng ten phục vụ phát sóng viễn thông di động được dùng chung (ít nhất là 2 nhà mạng).

- 100% hạ tầng kỹ thuật ngầm (phục vụ cáp viễn thông) được đầu tư dùng chung.

- 100% cột điện được dùng chung (vừa treo cáp điện, vừa treo cáp viễn thông, trừ các tuyến đường, khu vực đã thực hiện hạ ngầm cáp viễn thông).

[...]