Kế hoạch 5305/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2023-2025

Số hiệu 5305/KH-UBND
Ngày ban hành 19/06/2023
Ngày có hiệu lực 19/06/2023
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Nguyễn Ngọc Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5305/KH-UBND

Lâm Đồng, ngày 19 tháng 6 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ CẤP NƯỚC SẠCH NÔNG THÔN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2023 - 2025

Thực hiện Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Văn bản số 8050/BNN-VPĐP ngày 29/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn triển khai một số chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025; trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 166/TTr-SNN ngày 17/5/2023;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021-2025 với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Thực hiện hiệu quả nội dung vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM, góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

a) Tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt quy mô hộ gia đình cho các hộ dân tại những khu vực chưa có khả năng tiếp cận với nước cấp tập trung, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán.

b) Ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý.

c) Trên địa bàn tỉnh triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp.

d) Ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 50% số đơn vị cấp huyện có triển khai mô hình thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phí tập trung theo cụm hoặc theo khu vực phù hợp, hiệu quả.

đ) Ít nhất 80% chất thải chăn nuôi được các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn và 60% phụ phẩm nông nghiệp phải được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường.

e) Có 100%1 bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng được thu gom và xử lý theo đúng quy định; 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.

g) Ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ.

h) Có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.

i) Ít nhất 85% hộ gia đình nông thôn và 95% trường học, trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh được xây dựng và quản lý sử dụng đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Cấp nước sạch nông thôn:

a) Tiến hành rà soát, kiểm kê đánh giá chất lượng các công trình cấp nước đã được đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh, đề xuất phương án quản lý, khai thác sử dụng đối với các công trình còn khả năng hoạt động; đầu tư nâng cấp, sửa chữa cho các công trình cấp nước không hoạt động và hoạt động không bền vững, đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho hộ dân trên địa bàn các huyện, thành phố, đồng thời đề xuất phương án xử lý đối với các công trình hư hỏng không còn khả năng hoạt động.

b) Đối với các xã chưa đạt tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung trong xây dựng NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, UBND các huyện, thành phố bố trí nguồn vốn lồng ghép từ các Chương trình MTQG: Xây dựng NTM, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp các công trình nước sạch tập trung nông thôn nhằm đảm bảo các chỉ tiêu về nước sạch theo quy định. Trong đó tập trung đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình tại 50/111 xã NTM chưa đạt trên 10% từ hệ thống cấp nước tập trung và 39/57 xã NTM nâng cao có tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung chưa đạt 35% theo yêu cầu về chỉ tiêu về nước sạch theo quy định giai đoạn 2021-2025.

c) Xây dựng và triển khai thí điểm một số mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình, mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước.

2. Xử lý chất thải rắn sinh hoạt:

a) Hỗ trợ trang thiết bị, chế phẩm sinh học để thực hiện phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình; xây dựng và triển khai mô hình phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các địa bàn có mật độ dân cư khác nhau và mục đích sử dụng chất thải sau phân loại.

b) Tổ chức mạng lưới thu gom triệt để và hiệu quả; hình thành và hoàn thiện các phương thức thu gom phù hợp với đặc thù của từng địa phương; bố trí và đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp; trang bị các phương tiện, trang thiết bị lưu chứa rác tại khu vực công cộng đảm bảo thuận tiện, thân thiện môi trường và mỹ quan.

c) Xây dựng, triển khai và hoàn thiện mô hình liên kết thị trường để thu hồi, sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm tái chế, tái sử dụng từ chất thải.

d) Hỗ trợ đầu tư xây dựng từ 01 - 02 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện hoặc liên huyện, áp dụng công nghệ phù hợp, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

[...]